Hà Nội 16 °C | 07:34PM, 09/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất động sản xanh, còn khoảng cách xa từ xu thế đến thực tế

07:00 | 28/09/2017
Chia sẻ
Bất động sản xanh thời gian qua được nhắc nhiều và được đánh giá sẽ trở thành xu hướng của các dự án bất động sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, làm thế nào để bất động sản xanh từ xu thế trở thành một trào lưu thực sự vẫn còn khoảng cách lớn.
bat dong san xanh con khoang cach xa tu xu the den thuc te
Dự án The Ascent Thảo Điền của Tiến Phát là một trong số ít dự án tại Việt Nam được cấp chứng chỉ công trình xanh.

Công trình xanh đếm trên đầu ngón tay

Theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, trong khi có đến hơn 36.000 dự án thương mại và trên 38.000 công trình nhà ở trên thế giới đạt chuẩn xanh, thì ở Việt Nam, tính đến nay, có chưa đến 100 công trình xanh đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau.

Trên thực tế, số lượng dự án nhà ở thương mại tại Việt Nam được cấp chứng chỉ công trình xanh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại TP.HCM chỉ có một vài dự án như Ehome 5 của Nam Long, Diamond Lotus Riverside của Phúc Khang, The Ascent Thảo Điền của Tiến Phát. Ở phía Bắc có một số dự án như Ecohome của Capital House, Forest In The Sky của Hùng Vương Group.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, dự án đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ Leed là cao ốc President Place tại TP.HCM vào năm 2012. Đây là dự án do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.

“Những dự án xanh ở Việt Nam đang trong quá trình học hỏi, đi sau rất xa so với các nước. Do đó, nếu thực hiện một dự án cùng tiêu chí, thì doanh nghiệp trong nước vẫn yếu thế hơn. Lý do là bên cạnh để thực hiện các tiêu chí xanh đã không đơn giản, thì việc vận hành dự án trong tương lai cũng rất quan trọng. Trong khi đó, chúng ta đang có những hạn chế trong việc quản lý”, ông Khương nói.

Không chỉ vậy, hiểu thế nào là một công trình xanh vẫn không đơn giản. Không ít người cho rằng, dự án bất động sản xanh chỉ là một công trình được trồng nhiều cây xanh, hay được sơn màu xanh mát mắt… Tuy nhiên, theo chuyên gia trong ngành, điều này chưa hoàn toàn đúng. Chỉ trồng cây xanh không đủ để giúp công trình đạt các chứng nhận công trình xanh, mà cần phải thực hiện nhiều giải pháp nữa.

Tựu chung lại, có 5 nhóm yêu cầu với một công trình xanh, bao gồm năng lượng, nước, vật liệu, chất lượng không khí trong nhà và vị trí bền vững. Việc đáp ứng cả 5 nhóm tiêu chí này khiến công trình xanh không chỉ tốt cho môi trường, mà còn rất có lợi cho nhà đầu tư và người sử dụng. Về môi trường, việc tiết kiệm điện nước cũng như vật liệu giúp giảm đáng kể nguồn ô nhiễm và giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đã cạn kiệt.

Làm gì để bất động sản xanh vào cuộc sống?

Theo phân tích của các chuyên gia, các công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ điện năng so dự án thông thường mà không làm tăng chi phí, tuổi thọ công trình dài hơn.

Nhìn thấy được những lợi ích rõ ràng, cũng như nắm bắt nhu cầu thị trường, ngày càng có nhiều nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng thêm nhiều dự án xanh. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp chưa chú trọng đến các chiến lược phát triển dự án xanh dài hơi để mang lại lợi ích lâu dài thực sự cho người sử dụng. Thậm chí, số dự án được quảng bá gắn mác xanh, nhưng lại rất khó để kiểm định chất lượng. Mục đích duy nhất mà các dự án này nhắm tới là để dễ bán hàng.

Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Capital House cho biết, khó khăn lớn nhất khi làm công trình xanh là tư duy. Nhiều người vẫn nghĩ, công trình xanh rất có chi phí cao hơn từ 10 - 30% và khó thu hồi vốn hơn so với công trình bình thường. Chính điều này là rào cản không nhỏ cho việc phát triển các dự án xanh tại Việt Nam.

Còn theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn hạn chế là do nhận thức về lợi ích của công trình xanh chưa thực sự đúng và đủ. Các chủ chủ đầu tư dự án trong nước vẫn còn e dè với chi phí đầu tư ban đầu, hay quy trình chất lượng được thực thi và giám sát chặt sẽ làm thời gian thi công kéo dài, kéo theo việc giảm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, tâm lý nhiều người mua nhà vẫn có thói quen lấy giá bán làm tiêu chí quan trọng, mà quên đi yếu tố lợi ích lâu dài như tiết kiệm chi phí, hay tính bền vững của công trình cũng khiến công trình xanh chưa có đủ đất để phát triển.

Theo các chuyên gia, để gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy công trình xanh phát triển, phải nâng tầm kiến thức từ trong nhà trường, ra xã hội.

Tăng Triển