|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất động sản liệu có 'đảo chiều' vào cuối năm 2023?

07:51 | 27/12/2022
Chia sẻ
Năm 2023, thị trường bất động sản sẽ “sang trang” mới khi nhiều Luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai.

Nguồn cung thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh và vùng ven đều suy giảm mạnh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt - TTXVN

Kết thúc năm 2022, thị trường bất động sản 2022 được nhận định là duy trì giai đoạn khó khăn kéo dài với nhiều thách thức phải đối mặt như nguồn vốn hạn hẹp, giá bán đã tăng quá cao và biến động của nhân sự khi thị trường gặp khó.

Cùng đó, những thông tin, biến động về các hoạt động điều tra, khởi tố nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng làm ảnh hưởng lớn nhà đầu tư, khách hàng khiến tất cả các đối tượng tham gia thị trường này đều gặp khó khăn.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, thị trường vẫn có yếu tố để kỳ vọng vào sự “đảo chiều”, sớm nhất là cuối năm 2023 để trở lại đường đua và duy trì tốc độ.

Ông Trần Kim Chung - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, thị trường bất động sản là một trong 4 thị trường trọng tâm được Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian gần đây.

Năm 2023, thị trường bất động sản sẽ “sang trang” mới khi nhiều Luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai.Trong số này, Luật Đất đai sửa đổi đặc biệt quan trọng.

Theo đó, thị trường đất đai đã có dấu hiệu tốt lên và được kỳ vọng có thể đưa luồng tiền lớn vào thị trường với những yếu tố quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 18-NQ/TW hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Cùng đó, nhu cầu nhà ở tại Việt Nam hiện vẫn rất lớn. Ông Trần Kim Chung dẫn chứng, thị trường nhà ở từ tình trạng mất cân đối cung cầu trong năm 2022 sẽ có thay đổi khi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chú trọng phát triển nhà ở xã hội góp phần đưa ra thị trường sản phẩm hàng hoá phù hợp kèm theo những cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính.

Đồng quan điểm về việc thị trường bất động sản vẫn có nhiều yếu tố “trợ lực” quan trọng, tác động đến khả năng phục hồi, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, thời điểm “đảo chiều” có thể sẽ rơi vào quý cuối của năm 2023.

Dựa trên bài học từ giai đoạn khủng hoảng nhà đất 2008-2012, ông Nguyễn Quốc Anh phân tích, nếu nhìn lại chu kỳ của thị trường bất động sản Việt Nam, tính từ thời điểm 2008-2009 khi lạm phát tăng cao, tín dụng bị siết chặt với mức trần lãi suất cho vay tăng lên đến 21% thì đó chính là thời điểm thanh khoản thị trường lao dốc.

Bất động sản rất khó bán và lượng hàng tồn kho tăng gấp 3 lần so với năm 2007. Tình hình này kéo dài trong suốt các năm 2010 – 2012.

Những tháng cuối năm, thị trường bất động sản tại tỉnh Kon Tum đang rơi vào tình trạng “đóng băng”. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Chỉ khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu điều chỉnh giảm mạnh lãi suất, giá bán nhà đất lao dốc 30-40%, xuất hiện động thái bán tháo, cắt lỗ, tồn kho nhà đất tăng 85% so với cùng kỳ, nhiều dự án bị bỏ hoang.

Bước sang giai đoạn nửa cuối 2013 và đầu năm 2014, khi Luật đất đai được thông qua, chính sách tín dụng dần nới lỏng và sự xuất hiện của gói tài chính 30.000 tỷ đồng thì thị trường bất động sản mới bắt được những tín hiệu phục hồi bước đầu, tồn kho giảm dần từ 15-20%.

Giá bán bất động sản điều chỉnh về sát với nhu cầu người mua thực.Nếu theo chu kỳ từng diễn ra trước đây, tính từ thời điểm khi ngân hàng nhà nước có động thái hạ trần lãi suất cho đến lúc thị trường bất động sản bắt đầu “đảo chiều” và có bước phục hồi là phải mất khoảng 1,5 năm.

Vì vậy, nếu chỉ dựa trên yếu tố chỉ số lãi suất, xét theo bối cảnh hiện nay, với kịch bản tích cực nhất thì trần lãi suất có thể sẽ được điều chỉnh vào quý I/2023. Như vậy, phải đến quý II hoặc  quý III/2024 thì bất động sản mới có thể “đảo chiều”, chuyên gia này phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, trong 3 yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến khả năng đảo chiều của thị trường bất động sản là tăng trưởng tín dụng - lãi suất - chính sách điều hành của Chính phủ thì tăng trưởng tín dụng và chính sách sẽ là hai yếu tố mang lại tác động tích cực và đẩy nhanh tiến trình “đảo chiều” cho thị trường.

Năm 2012, tăng trưởng tín dụng giảm từ 20% xuống còn 7%, đồng thời lạm phát lên tới 8%. Sang năm 2013, tăng trưởng tín dụng tăng lên 12% và lạm phát 6%. Ngay trong năm thực hiện nới lỏng tín dụng, thị trường bất động sản đã có ngay tín hiệu đảo chiều và đạt được điểm cân bằng.

Giai đoạn cuối 2013 đầu 2014 khi tăng trưởng tín dụng được nới lỏng lên mức 12-14% thị trường đã bước đầu phục hồi.“ Do đó, nếu đầu năm 2023 tăng trưởng tín dụng nới lỏng, thị trường cũng theo đà đó mà phục hồi nhanh.

Đặc biệt, cuối năm 2022, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản và Luật Đất đai sửa đổi đang được trình Quốc hội thông qua là những tín hiệu vui cho lĩnh vực này. Tăng trưởng tín dụng và chính sách chính là những gam màu sáng cho bức tranh thị trường bất động sản để hoàn toàn có thể kỳ vọng thời gian “đảo chiều” và phục hồi sớm hơn, dự kiến sẽ vào khoảng cuối năm 2023” - ông Quốc Anh cho hay.

Điểm lại diễn biến thị trường bất động sản 2022 cho thấy, bắt đầu từ quý II/2022, mức độ quan tâm và lượng giao dịch đã có xu hướng giảm. Khảo sát từ nhiều sàn giao dịch nhà đất cho thấy, thời điểm quý II/2022, có khoảng 28% môi giới xác nhận việc mua bán bị sụt giảm mạnh và đến 45% cho biết giao dịch có sụt giảm nhưng không quá lớn.

Thì bước sang quý III/2022, tỷ lệ môi giới xác nhận giao dịch giảm mạnh (trên 50% lượng giao dịch so với cùng kỳ) lên đến 43% và quý IV/2022 đã có đến 62% môi giới xác nhận sụt giảm mạnh về giao dịch.

Theo khảo sát mới nhất của batdongsan.com.vn về dự báo thời điểm thị trường phục hồi dựa trên ý kiến đánh giá của gần 500 nhà môi giới cho thấy, 34% người tham gia đánh giá khoảng cuối quý III và đầu quý IV/2023 sẽ là thời điểm mà thị trường bất động sản phục hồi trở lại; 23% có cái nhìn tích cực hơn khi cho rằng, từ quý II/2023 thị trường sẽ phục hồi và 19% dự đoán phải đến quý II/2024 thì tín hiệu tích cực mới trở lại.

Nhìn chung, các chuyên gia đều chung nhận định, 2023 vẫn là năm khó khăn của thị trường nhưng sẽ không kéo dài và vẫn có giải pháp để kéo lại sức bật. Các diễn biến tiếp theo đều phụ thuộc vào chính sách dòng vốn và quản lý của nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Anh khuyến nghị điều cần nhất hiện nay là cải thiện điểm tín dụng. Điều này hỗ trợ doanh nghiệp khi thị trường quay trở lại đà tăng.

Ngoài ra, cần làm minh bạch kênh phát hành trái phiếu, đảm bảo khả năng trả nợ.Để thúc đẩy giao dịch, doanh nghiệp cần đưa ra phương án tài chính hấp dẫn cho người mua cũng như đẩy nhanh tiến độ pháp lý và tiến độ dự án nhằm có thêm nguồn vốn từ việc khách hàng trả trước.

Doanh nghiệp bất động sản cần phải đa dạng hóa nguồn vốn và chủ động tìm hiểu chương trình phục hồi, nhất là nhóm chương trình nhà xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ..'


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Hằng