Bất động sản khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn
Lĩnh vực bất động sản đã được ưu tiên khá nhiều về góc độ tỷ trọng dư nợ tín dụng được phân bổ khi so sánh với các ngành còn lại của nền kinh tế.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng khoảng 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.
Tại báo cáo nghiên cứu "Đổi mới cơ chế phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, một vài hàm ý với thị trường bất động sản", nhóm nghiên cứu củaViện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) cho rằng không gian cho chính sách tiền tệ không còn nhiều, dư địa được thể hiện chủ yếu ở việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất dù đã giảm nhưng nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản vẫn không hấp thụ được vốn.
Loại trừ các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn thì nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay bởi không có cơ hội kinh doanh, không có đầu ra, nếu vay vốn sẽ không trả được nợ, lại càng khó khăn hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, thay vì dựa vào đòn bẩy tài chính ngân hàng như giai đoạn trước, nhiều doanh nghiệp chủ động chọn giải pháp tiết giảm chi phí, thu gọn quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến tình trạng các tổ chức tín dụng muốn cho vay nhưng không cho vay được.
Theo nhóm nghiên cứu, vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay nằm nhiều ở sự suy yếu của tổng cầu. Hoạt động xuất - nhập khẩu hiện phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của các nền kinh tế lớn nhập khẩu hàng hoá dịch vụ từ Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, thị trường xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực nhưng chưa đủ để đưa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trở lại như năm 2022.
Đối với thị trường bất động sản, thanh khoản, niềm tin thị trường chưa thực sự hồi phục, nhiều dự án vẫn đang xếp hàng chờ tháo gỡ thủ tục pháp lý. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở, nhà cho thuê trong thời gian qua là một nguyên nhân quan trọng khiến tổng cầu suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP.
Trong bối cảnh như vậy, việc gia tăng tín dụng để doanh nghiệp hay các cơ sở kinh tế mở rộng sản xuất, đầu tư kinh doanh trong khi tổng cầu không không đảm bảo hấp thụ được năng lực sản xuất mở rộng và nguồn cung gia tăng đó chắc chắn sẽ chứa đựng nhiều rủi ro đối với chính doanh nghiệp và kế tiếp là đối với chất lượng tín dụng.
"Đẩy tín dụng vào nền kinh tế khi năng lực hấp thụ của nền kinh tế còn hạn chế, doanh nghiệp, người dân hay các cơ sở kinh tế chưa sẵn sàng về năng lực sử dụng, khi đó cũng khó đảm bảo rằng tín dụng với tư cách là nhân tố đầu vào sẽ được chuyển hoá hiệu quả thành tăng trưởng", nhóm nghiên cứu nhận định.