|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bất cập doanh nghiệp làm sản phẩm hữu cơ phải mua nguyên liệu giá cao nhưng bán với giá thường

07:26 | 29/09/2022
Chia sẻ
Nhiều ý kiến cho rằng dù có nhiều dư địa thị trường cho các sản phẩm nông sản hữu cơ nhưng thực tế là những người tham gia sản xuất vẫn gặp rất nhiều thách thức, bất cập.

Thị trường nông sản hữu cơ nhiều dư địa cũng nhiều thách thức

Tại diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” diễn ra chiều 28/9, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, cho biết tiềm năng, thế mạnh để sản xuất sản phẩm lúa hữu cơ của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khu vực Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều doanh nghiệp, trong đó, có Bảo Minh đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ của USDA nhưng nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn nên vẫn phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60% nhưng lại bán với giá thường.

Còn theo bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) Việt Nam, nông dân sản xuất nhỏ lẻ đang phải tự bươn chải, phải làm theo các thương lái mà họ đã liên kết, từ đó, dẫn đến vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thế nhưng sản phẩm hữu cơ chưa được định giá đúng giá trị thực, người sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ rất khó cạnh tranh với sản phẩm đại trà khác. Lâu dần, nhiều người dù quyết tâm làm hữu cơ nhưng cũng phải bỏ cuộc bởi càng làm càng phải bù lỗ.

 

Toàn cảnh diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” diễn ra chiều 28/9. (Ảnh: Như Huỳnh)

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết người tiêu dùng đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm hữu cơ đối với môi trường, sức khỏe con người và tạo ra hệ sinh thái bền vững, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19.

Dung lượng thị trường nông sản hữu cơ của thế giới rất lớn, năm 2021 là 188 tỷ USD và năm 2022 dự báo lên đến 208 tỷ USD. Trước đây, thị trường này chỉ phát triển ở các nước có thu nhập cao ở Mỹ, Nhật và phương Tây. Hiện nay, xu hướng mở rộng ra nhiều nước đặc biệt là Trung Quốc. Nhu cầu và thị hiếu rất đa dạng, đặc biệt là mặt hàng rau quả, chè, cà phê và các sản phẩm chế biến.

Điều này cho thấy dù tiềm năng và dư địa thị trường cho các sản phẩm nông sản hữu cơ là rất lớn, song thực tế những người tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn gặp rất nhiều thách thức.

Doanh nghiệp cần giải được bài toán 'lòng tin' để phát triển thị trường hữu cơ 

Trước những khó khăn hiện nay, để phát triển thị trưởng hữu cơ tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh về việc xây dựng “lòng tin” đối với người tiêu dùng, điều này cần cả quá trình với sự nỗ lực từ nhiều bên từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng.

Ngoài ra, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

"Cần đưa ra giải pháp hệ thống phân phối để từng bước chúng ta mở rộng được thị trường hữu cơ trong nước. Sản phẩm hữu cơ không thể bán, kinh doanh, phân phối như kênh thông thường, mà cần phải có kênh chuyên biệt”, ông Tiến nói.  

 

 Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp . (Ảnh: Như Huỳnh)

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được các xu thế tiêu dùng nói chung và xu thế tiêu dùng sản phẩm hữu cơ nói riêng như sự chuyển dịch sang mua sắm tại nhà hay gia tăng số lượng các tiêu chuẩn bền vững và quy trình ghi nhãn mác sản phẩm về kiểm dịch động thực vật hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe công đồng.

Ở góc đô doanh nghiệp, ông Bùi Hồng Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinamit, cho rằng để làm nông nghiệp hữu cơ thực chất, điều quan trọng là doanh nghiệp phải đảm bảo uy tín, thực hiện đúng cam kết về chất lượng, mẫu mã khi tới tay nhà phân phối và người tiêu dùng.

Doanh nghiệp khi làm hữu cơ đòi hỏi phải thực sự tâm huyết, giữ uy tín, bởi khi bắt đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn như thiếu chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật cao, kinh phí, vốn đầu tư,... Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mới bắt tay làm nông nghiệp hữu cơ.  

Còn theo Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, các cơ quan quản lý Nhà nước phải cùng nhau vào cuộc, quy định rõ vùng nguyên liệu tại đâu được hưởng chính sách nào. 

Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất xây dựng nhà máy; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn "mua nguyên liệu giá hữu cơ, bán sản phẩm giá thường" như hiện nay.  

Ngoài ra, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện nay còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về định nghĩa hữu cơ.

Do đó, cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ là cách sản xuất đảm bảo nguyên tắc 6 không gồm không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gien; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng và không có hóa chất trong đất, nước. 

Như Huỳnh