Bảo lãnh thông quan giúp tiết kiệm nguồn nhân lực
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hải quan
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về “Phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020”, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng Đề án kèm Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Tổng cục Hải quan cho biết, mục tiêu của việc triển khai áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan là nhằm đảm bảo thực thi đầy đủ Công ước Kyoto về đơn giản hoá và hài hoà hoá thủ tục hải quan, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TF) và các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, tạo thuận lợi cho các hoạt động nhập khẩu hàng hóa, đảm bảo hàng hóa được thông quan, giải phóng nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Cơ chế bảo lãnh thông quan cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hải quan, giảm thiểu rủi ro do việc không chấp hành pháp luật về thuế, về hải quan, về chính sách kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp thông qua việc sử dụng một công cụ bảo lãnh mới để đảm bảo việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp; chuyển việc quản lý hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan chờ thông quan cho tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm.
Cơ chế này đồng thời giúp đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bảo lãnh thông quan hàng hóa nhập khẩu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa được lựa chọn tổ chức bảo lãnh có uy tín, thuận lợi, chi phí cạnh tranh để đứng ra bảo lãnh cho thông quan hàng hóa với cơ quan hải quan.
Mang lại nhiều lợi ích
Cũng theo nhận định của Tổng cục Hải quan, bảo lãnh thông quan sẽ giúp cho cơ quan hải quan nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan. Đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành, bảo lãnh thông quan không làm giảm hay mất đi các yêu cầu thực hiện quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, thay vào đó,
đây là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc kiểm soát việc tuân thủ các quy định về pháp luật kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp thông qua tổ chức bảo hiểm, họ sẽ đảm bảo hàng hóa XNK phải đáp ứng các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi đưa vào sản xuất hoặc đưa ra lưu thông trên thị trường, thậm chí là khi đến tay người tiêu dùng. Việc sử dụng bảo lãnh thông quan cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý chuyên ngành tiết kiệm được nguồn nhân lực, giảm chi phí hành chính, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính của các bộ, ngành.
Đối với doanh nghiệp, bảo lãnh thông quan sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, sớm đưa hàng hóa vào sản xuất, có thêm sự lựa chọn đơn vị bảo lãnh nộp thuế ngoài các ngân hàng thương mại như hiện nay, đồng thời cũng góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đối với các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, bảo lãnh thông quan sẽ bổ sung một phương thức kinh doanh mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia GATF tại Hoa Kỳ thì bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1-0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%.