|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bảo lãnh nợ - ánh sáng cuối đường hầm cho doanh nghiệp nhỏ

22:31 | 20/04/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm số lượng lớn trong nền kinh tế Việt Nam nhưng khả năng tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng để xoay sở vượt qua đại dịch Covid-19 để tiếp tục tồn tại còn quá mong manh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ lúc này cần đứng ra bảo đảm cho các khoản nợ để gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phát huy được tác dụng, đưa nguồn vốn đến đúng địa chỉ doanh nghiệp đang gặp khó tại thời điểm này.

Chính phủ chủ trì, ngân hàng chủ chi

Chiếm tới 90% số lượng doanh nghiệp (DN) của Việt Nam, nhưng các DNNVV vẫn luôn là đối tượng yếu thế trong vòng tròn vay vốn và trả nợ tại các ngân hàng thương mại. 

Trong thời Covid-19, việc tiếp cận vốn đối với các DNNVV lại càng trở nên khó khăn hơn khi họ phải loay hoay chứng minh các thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra hay đảm bảo được nguồn doanh thu ổn định để trả nợ cho các khoản vay mới trong một tương lai bất định.

Bảo lãnh nợ - ánh sáng cuối đường hầm cho doanh nghiệp nhỏ - Ảnh 1.

Các khoản vay được bảo lãnh có thể giúp nguồn vốn vay tới tay các doanh nghiệp nhỏ dễ dàng hơn. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Như phản ánh của TBKTSG Online qua các bài viết trước, nhiều DNNVV trong những lĩnh vực, từ du lịch, khách sạn, nhà hàng,... đến các hộ doanh sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ đã và đang than khó khi tìm cách tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng được cam kết bởi các ngân hàng thương mại. 

Bất cập đến từ quy trình thẩm định các khoản vay mới của các ngân hàng vẫn còn khá cứng ngắc và chưa đủ linh hoạt trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra.

Chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rõ ràng và xuyên suốt trong các chỉ thị và thông tư nhằm hỗ trợ cộng đồng DN tháo gỡ các khó khăn về vốn trong thời Covid-19. 

Các ngân hàng, theo đó, cần rà soát, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ, cũng như xem xét miễn giảm lãi vay và không chuyển nhóm thành nợ xấu trong thời hạn nhất định, như vậy các khoản vay mới sẽ có thể được giải ngân, mang đến dòng tiền tươi thóc thật cho các DN.

Theo phân tích của tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, gói tín dụng từ các ngân hàng có 4 đặc điểm chính là để cho vay mới hỗ trợ các doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, như hỗ trợ thanh khoản, nhu cầu vốn lưu động. 

Nguồn vốn chính của các gói này là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp, không phải nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Cơ chế, quy trình cho vay về cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, trách nhiệm vay - trả thuần túy là giữa ngân hàng và bên vay vốn và gói tín dụng này tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Gói tín dụng, theo ông Lực, nếu được giải ngân sẽ tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng và số tiền giảm đi do áp dụng lãi suất ưu đãi trong gói tín dụng sẽ làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

Giáo sư Nguyễn Văn Phú, một chuyên gia nghiên cứu về Kinh tế học ứng dụng và Kinh tế môi trường, hiện đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), đưa ra đánh giá dù các hoạt động sản xuất kinh doanh có thể dừng lại trong thời gian dịch bệnh đang diễn ra nhưng các hoạt động kinh tế và tài chính không vì thế mà ngừng lại, do đó các khoản vay tín dụng phải được trả lãi và đây là nghịch lý cho các doanh nghiệp khi hoạt động bị đình trệ do các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải trả lãi cho các khoản vay đến ngày đáo hạn.

“Việc Việt Nam đưa ra gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỉ đồng là rất kịp thời. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn miễn cưỡng vì do rủi ro tăng cao là điều dễ hiểu”, ông Phú nhận xét.

Đầu tháng 3, một gói tín dụng trị giá 250.000 tỉ đồng được cam kết bởi các ngân hàng thương mại nhằm cung cấp nguồn vốn cho các DN trong mùa dịch. Gói này sau đó đã tăng lên 300.000 tỉ đồng khi nhiều ngân hàng tham gia hơn và bổ sung thêm nguồn vốn cho vay. 

Tại thời điểm giữa tháng 4, quy mô của gói tín dụng này, theo số liệu chưa chính thức từ các ngân hàng, đã tăng lên gấp đôi, hướng tới các đối tượng DNNVV, khách hàng cá nhân và các DN lớn.

Chính phủ bảo lãnh nợ

Gói tín dụng ưu đãi cho DN vượt khó như vậy rất thức thời, nhưng có lẽ chưa thực sự đến được tay các DN khi họ cần dòng tiền tươi để sống sót trong mùa dịch. Vai trò của Chính phủ trong việc chủ trì các gói cứu trợ sẽ cần được nâng tầm, bao gồm bảo lãnh cho các khoản nợ DN vay trong mùa dịch.

Bảo lãnh nợ - ánh sáng cuối đường hầm cho doanh nghiệp nhỏ - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế cho rằng các ngân hàng có thể cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay qua cơ chế Quỹ bảo lãnh tín dụng. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Phú, với tình hình đại dịch đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu thì tất cả các nền kinh tế đều bị ảnh hưởng, vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ DN sẽ rất quan trọng. 

Gói hỗ tín dụng trong lúc này là cần thiết, nhưng nên hiểu tầm quan trọng tương đối của con số 300 ngàn tỉ đồng (khoảng gần 13 tỉ đô la Mỹ) khi đây chủ yếu là tổng số tiền cơ cấu nợ.

“Khi nào mà nhà nước chịu trách nhiệm là người đảm bảo cuối cùng cho các khoản nợ này (có khả năng là nợ xấu) thì gói hỗ trợ tín dụng mới phát huy hết tác dụng của nó”, ông Phú nêu quan điểm.

Một câu hỏi được ông Phú đặt ra trong lúc này là Chính phủ đã có chính sách cụ thể gì đối với các doanh nghiệp nhỏ và các hộ sản xuất kinh doanh.

“Theo tôi các chính sách nên tập trung nhiều hơn nữa vào người nghèo, lao động tự do, thất nghiệp, các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh nhỏ (quy mô sử dụng tín dụng ngân hàng nhỏ hơn các doanh nghiệp khác)”.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu các ngân hàng có thể cho DN vay qua cơ chế Quỹ bảo lãnh tín dụng. Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động trên cơ chế bảo lãnh các khoản vay của DN tại các ngân hàng thương mại, nếu các DN không trả được nợ thì quỹ bồi thường cho các ngân hàng.

Với quỹ bảo lãnh tín dụng, Chính phủ có thể dùng uy tín để bảo lãnh cho các khoản vay của các DNNVV tại các ngân hàng. Chính phủ trước mắt sẽ không phải bỏ ra đồng nào và chỉ khi nào cần bồi thường thì mới sử dụng tới tiền ngân sách nhà nước, ông Hiếu chia sẻ trong hội nghị trực tuyến “Áp dụng nền tảng số cho DNNVV bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh và kết nối vốn - Thời kỳ hậu Covid-19” diễn ra trong tuần trước.

Ông Hiếu nêu quan điểm để cứu các DNNVV, Chính phủ có thể cần đưa ra một gói tín dụng riêng cho nhóm đối tượng này, ở mức độ ít nhất 2% GDP, có giá trị khoảng 150.000 tỉ đồng.

“Tôi nghĩ là các DN và ngân hàng nắm rất rõ tình hình của thị trường. Nhà nước chỉ cần bảo đảm tính minh bạch, và nhất là trong tình hình hiện nay, nhà nước phải nắm vai trò là người bảo hiểm cuối cùng thì các DN có thể mạnh dạn tiếp cận nguồn tín dụng này”, ông Phú của CNRS nói.

Ngoài ra, gói hỗ trợ tín dụng này cần được kéo dài nhiều hơn 3 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố Việt Nam hết dịch Covid-19. Lý do là tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ và châu Âu vẫn phải tiến hành các biện pháp về phòng chống dịch bệnh. 

Do đó, dù Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh thì những tác động tiêu cực về giao thương, xuất nhập khẩu vẫn ảnh hưởng nặng nề lên các doanh nghiệp trong nước một khoảng thời gian dài sau đó.

Trang Nguyễn