|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Báo hiệu một mùa hoa Tết thuận lợi ở Kiên Giang

16:32 | 20/12/2020
Chia sẻ
Đến thời điểm này, đầu tháng 11 âm lịch, những nụ cúc mâm xôi ở vườn hoa cảnh ấp Hòa Bình, xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đang lớn dần, xanh tốt, báo hiệu một mùa hoa Tết thu lợi nhuận khá cho bà con làm nghề trồng hoa cúc trưng Tết nơi đây.

Trồng hoa cúc trưng Tết là nghề truyền thống của tỉnh Kiên Giang đã có gần 30 năm nay, khi gia đình ông Lý Hoàng Phương di cư từ thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đến đây lập nghiệp. 

Ông Phương cho biết, gia đình ông có truyền thống làm hoa cảnh từ nhiều đời. Khi chuyển đến ấp Hòa Bình, xã Hòa Lợi, ông bắt đầu trồng hoa cảnh, chủ yếu là cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc Hà Lan.

Gia đình ông Lý Hoàng Phương có 4 anh em đều làm nghề trồng cúc để phục vụ nhu cầu trưng hoa ngày Tết của người dân. 

Theo ông Phương, khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất Hòa Lợi phù hợp cho các loại hoa, đặc biệt là hoa cúc mâm xôi. Cúc mâm xôi ở đây có vẻ đẹp đặc biệt, màu vàng đượm bắt mắt, được thị trường ưa chuộng. 

Giống các loại cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc Hà Lan đều lấy từ Sa Đéc. Cứ vào tháng 6 âm lịch hàng năm, bà con trồng cúc ở Hòa Lợi bắt đầu xuống giống cúc mâm xôi.

Theo ông Phương, khoảng tháng 10 âm lịch, cúc mâm xôi bắt đầu ra nụ, còn cúc Hà Lan, cúc Đài Loan đến tháng 11 mới có nụ. Việc chăm sóc các loại cúc cảnh trưng Tết không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi người trồng phải theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng của cây. 

Nếu phát hiện sâu bệnh hoặc triệu chứng ra hoa sớm, hoặc trễ so với dự kiến, người trồng phải điều chỉnh lượng phân cho phù hợp, đảm bảo đúng ngày 30 Tết hoa nở đẹp nhất là thành công. 

Sau khi được thành lập vào năm 2009, Câu lạc bộ hoa cảnh ấp Hòa Bình với 4 hộ gồm khoảng 20 thành viên bắt đầu phát triển, mở rộng quy mô trồng. 

Bình quân mỗi vụ trồng hoa kiểng phục vụ thị trường Tết (6 - 8 tháng/vụ), các hộ trồng khoảng 3.500 chậu, trong đó chủ yếu là cúc mâm xôi.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa cảnh ấp Hòa Bình Cao Hoàng Tỏ cho biết, thu nhập nhờ nghề trồng hoa cúc trưng Tết là khá ổn định, bình quân lợi nhuận đạt khoảng hơn 100 triệu đồng/vụ/hộ. 

Các loại sản phẩm hoa cảnh gồm cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, cúc Đài Loan được thương lái thu mua tận nơi, cúc mâm xôi giá 70.000 - 80.000 đồng/chậu; cúc Đài Loan, cúc Hà Lan giá 40.000 - 50.000 đồng/chậu. Sản phẩm được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Ông Lý Hoàng Phương chia sẻ: "Do năm nay mưa bão nhiều, quá trình chăm sóc các loại cúc là rất khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng và tiến độ ra hoa. 

Hiện tại, cúc mâm xôi đạt 1.700 chậu sinh trưởng tốt trong tổng số 2.000 chậu xuống giống ban đầu. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, tôi có cách để các loại hoa cảnh vẫn đảm bảo ra hoa đúng thời điểm Tết, đáp ứng nhu cầu của thị trường".

Theo ông Cao Hoàng Tỏ, các hộ trồng cúc trưng Tết đều có kỹ thuật cao nên vẫn thích nghi được với tình hình thời tiết bất ổn. 

Dù sản lượng hoa cảnh của các hộ trong Câu lạc bộ hoa cảnh ấp Hòa Bình năm nay có thể không bằng so với vụ Tết năm 2020, nhưng dự kiến giá cúc mâm xôi và cúc Đài Loan, cúc Hà Lan vụ Tết năm nay sẽ tăng giá, nên lợi nhuận cho bà con vẫn được đảm bảo.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Lợi Võ Phi Hùng cho biết, hàng năm, chính quyền địa phương đề xuất các ngành chuyên môn của huyện Giồng Riềng mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con trồng hoa cảnh, giúp quá trình trồng, chăm sóc đạt hiệu quả, tăng năng suất trên cùng đơn vị diện tích; đồng thời, vận động Quỹ hỗ trợ nông dân 2017 - 2018 cho vay 10 - 15 triệu đồng/hộ, giúp các hộ có thêm vốn để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. 

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Giồng Riềng, nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện, trồng hoa cảnh dịp Tết giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con; trong đó, nghề trồng hoa cúc trưng Tết ở xã Hòa Lợi từ lâu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, giúp tạo công ăn việc làm cho bà con mỗi dịp Tết đến xuân về. 

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng Trần Ngọc Khải cho biết, hiện, tổng diện tích trồng hoa cảnh ở Giồng Riềng khoảng 16 ha, có nơi trồng quanh năm, có nơi trồng theo mùa vụ.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật cho bà con trồng hoa cảnh trong phòng trừ dịch hại, ứng phó với thời tiết thất thường; giúp bà con biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để quản lý cho cây ra hoa, xử lý ra hoa cho đúng dịp Tết; đồng thời, kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp, thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại ở nhiều nơi, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hoa cảnh cho bà con.

Hồng Đạt