Bảng giá đất áp dụng từ năm 2020 nơi nào cao nhất?
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96 qui định về khung giá đất đối với nhóm đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Khung giá đất này được sử dụng làm căn cứ để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.
Theo đó, UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được qui định mức giá đất tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh không cao hơn quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.
Đối với đất ở đô thị, khu vực có giá cao nhất 162 triệu đồng/m2 là đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.
Dựa trên khung giá đất, tính đến nay đã có nhiều tỉnh thành thông qua bảng giá đất mới áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024. Trong đó, tại Hà Nội, bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 có mức tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019.
Trong đó, giá đất ở đô thị trong nội thành cao nhất thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ) cao nhất là gần 188 triệu đồng/m2; giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông hơn 4,5 triệu đồng/m2.
Trái với dự đoán của nhiều người, bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 tại TP HCM không só sự điều chỉnh mà giữ nguyên bảng giá đất cũ giai đoạn 2014 - 2019.
Theo đó, giá đất ở cao nhất trên địa bàn TP HCM là 162 triệu đồng/m2 tại các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi (Quận 1) và giá đất ở đô thị thấp nhất là 1,5 triệu đồng/m2.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 tăng bình quân 30% so với giá đất tại bảng giá đất cũ. Trong đó, đất ở đô thị có giá cao nhất là 65 triệu đồng/m2, tại vị trí 1, loại đường 1A thuộc địa bàn TP Huế. Giá đất ở thấp nhất tại vị trí 1 là 230 nghìn đồng/m2 tại thị trấn Phú Đa, huyện Hòa Vang.
Tương đương với mức tăng của Thừa Thiên Huế, bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 của tỉnh Đồng Nai được điều chỉnh tăng từ 30 - 35%, thậm chí ở một số khu vực giá đất sẽ cao hơn 4 - 6 lần.
Theo đó, giá đất ở cao nhất là 40 triệu đồng/m2 của đường 30-4 (TP Biên Hòa) và thấp nhất 160 nghìn đồng/m2 thuộc thị trấn Định Quán (huyện Định Quán).
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, bảng giá đất mới được điều chỉnh tăng từ 10 - 50% so với bảng giá đất cũ. Đối với đất ở đô thị, tùy khu vực sẽ điều chỉnh tăng 1-2 lần. Riêng với đất ở khu vực đô thị và nông thôn tại huyện Côn Đảo, Đất Đỏ được điều chỉnh tăng 1,2 - 1,8 lần.
Thị trường BĐS Bình Dương thời gian gần đây ghi nhận có nhiều phát triển. Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 của tỉnh này tăng bình quân 18%. Trong đó một số tuyến đường thuộc phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một có giá đất cao nhất 37,8 triệu đồng/m2.
Giống với TP HCM, Cần Thơ giữ nguyên mức giá định kì 5 năm (2014 - 2019) đối với nhóm đất ở, đất thương mại, dịch vụ và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại và dịch vụ tại nông thôn.
Riêng đối với các loại đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, điều chỉnh tăng giá với mức tăng bình quân tối đa 20% tùy vị trí.
Là một trong những khu vực có thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng phát triển khá sôi động nhưng cho đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa thông qua bảng giá đất mới.
Vừa qua, tại kì họp cuối năm 2019 của HĐND TP Đà Nẵng, 100% đại biểu có mặt đã đồng loạt bấm nút chưa thông qua Tờ trình số 8046 của UBND TP Đà Nẵng về việc xem xét ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2024.
Khung giá đất mới tạo áp lực cho người mua nhà?
Theo một số chuyên gia, việc tăng khung giá đất sẽ giúp những người có đất trong diện thu hồi có lợi hơn. Nhưng những người chưa có đất, chưa sở hữu BĐS sẽ bất lợi hơn.
Trong khi đó, cũng có không ít người lo ngại việc tăng khung giá đất có thể tác động kéo theo các sản phẩm liên quan ngành xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch… cũng sẽ tăng giá, từ đó đẩy giá thành nhà ở lên cao.
Chia sẻ về vấn đề này tại buổi họp báo công bố báo cáo thị trường BĐS năm 2019 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARs) đánh giá, việc tăng khung giá đất sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các dự án BĐS và giá nhà đất.
Ông Đính phân tích, bảng giá đất dù có tăng cũng chỉ làm cơ sở để tính toán tiền nộp thuế sử dụng đất của các dự án. Nếu không có bảng giá đất thì cũng vẫn sẽ tính theo giá thị trường.
Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 qui định, những dự án dưới 30 tỉ đồng sẽ áp dụng theo bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất. Còn dự án từ 30 tỉ đồng trở lên thì phải có bộ phân liên nghành thẩm định giá, lấy giá thị trường ra để so sánh tính tiền sử dụng đất.
"Việc tăng khung giá đất ảnh hưởng rõ nét nhất đến chi phí sản xuất kinh doanh. Bởi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều đang phải thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm. Kéo theo đó, chi phí cho việc thuê đất hàng năm của các doanh nghiệp sẽ tăng lên. Do đó, nếu giá thành sản xuất tăng thì ắt sẽ phải đẩy tăng giá bán sản phẩm", ông Đính nói.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch VARs cho rằng, cần có qui định liên quan đến đất nền. Chẳng hạn, sau 6 tháng đến 1 năm doanh nghiệp không triển khai dự án thì sẽ phải nộp thuế. Càng để lâu càng đánh thuế cao, như vậy để tránh tình trạng doanh nghiệp găm đất.