|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bài toán mở đường bay

15:32 | 30/07/2017
Chia sẻ
Với mục đích đầu tiên là thúc đẩy du lịch, ngày càng nhiều địa phương mời gọi doanh nghiệp mở đường bay mới, thậm chí địa phương còn chấp nhận bù lỗ cho doanh nghiệp trong thời gian đầu khai thác đường bay. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động này.
bai toan mo duong bay
Nhiều địa phương mời gọi doanh nghiệp mở đường bay mới để thúc đẩy du lịch. Ảnh: Đào Loan

Đòn bẩy hút khách

Hai tháng trước, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã gặp một số doanh nghiệp du lịch, hàng không để bàn kế hoạch mở đường bay. Chính quyền thành phố dự kiến sẽ hỗ trợ các hãng mở tuyến bay (ngoại trừ các tuyến nối Cần Thơ với Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc và Côn Đảo) các khoản chi phí: chi phí thuê văn phòng làm việc trong 12 tháng, tối đa 15 triệu đồng/tháng/hãng; giảm giá gói dịch vụ mặt đất trong thời gian đầu. Thành phố cũng dự kiến sẽ bù lỗ năm đầu tiên cho các hãng hàng không bằng nhiều cách, trong khung chi phí từ 4,5-8,5 tỉ đồng/hãng, tùy vào đường bay.

Hiện các mức hỗ trợ dự kiến nêu trên còn phải chờ ý kiến của hội đồng nhân dân thành phố, nhưng trước đó, Cần Thơ đã có những hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp mở đường bay nối các điểm đến như Lâm Đồng hay Bangkok (Thái Lan) nhằm gia tăng lượng khách du lịch và tạo tiền đề cho việc mở thêm các đường bay khác đến thành phố này.

Nhiều địa phương khác cũng có những kế hoạch và mục đích tương tự Cần Thơ. Trong đó, Quảng Bình mới mở đường bay nối với Thanh Hóa, dự kiến đến đầu tháng 8-2017 sẽ có thêm tuyến nối Chiang Mai (Thái Lan). Tỉnh Thừa Thiên - Huế thì muốn hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, nâng cao tần suất cũng như mở thêm các đường bay Huế - Cần Thơ - Phú Quốc; Huế - Luangprabang (Lào) - Bangkok, Ayutthaya (Thái Lan) - Bagan (Myanmar). Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho rằng việc mở đường bay giúp tỉnh đa dạng hóa phương tiện vận chuyển, không những giúp ngành du lịch gia tăng lượng khách mà còn giúp quảng bá thương hiệu và uy tín cho điểm đến. Ông nói: “Hệ số chỗ cho đường bay nối Hải Phòng hiện vào khoảng 60-65%, tuy chưa thực sự tốt nhưng vẫn có thể duy trì. Khi có thêm đường bay quốc tế thì sẽ có thêm khách từ Thái Lan và từ nước thứ ba”.

Từ ba năm nay, Vietravel đã đầu tư lớn để mở một số đường bay nối các điểm du lịch trong nước và quốc tế như Cần Thơ - Lâm Đồng; kết nối Cần Thơ, Đà Nẵng, Vinh với Bangkok của Thái Lan... Hiện công ty đang tính toán để mở tiếp tuyến Hải Phòng - Bangkok. Các đường bay này thường được khai thác vào những dịp cao điểm như mùa du lịch hè, dịp Tết, và được hỗ trợ một phần từ phía địa phương. Đến nay, một số đường bay như Cần Thơ - Lâm Đồng hay Đà Nẵng - Bangkok đã ngưng hoạt động, tuy nhiên, Vietravel vẫn đánh giá đây là khoản đầu tư thích đáng, tuy phải bỏ vốn lớn và thua lỗ trong thời gian đầu nhưng nó giúp phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu và hỗ trợ địa phương, nơi công ty đặt trụ sở làm ăn.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, cho biết nhu cầu mở đường bay của các tỉnh là rất lớn, gần như tỉnh nào có sân bay cũng đều có nhu cầu. Với một số điểm đến, phía hàng không không mở tuyến vì chưa thấy lợi nhuận trước mắt thì các công ty tham gia vào để kích thích và tạo thị trường mới. Chẳng hạn, Vietravel đã phải chịu lỗ nặng để mở tuyến Cần Thơ - Bangkok, nhưng đến mùa hè năm nay thì hệ số chỗ đã tăng lên 93-95% và lịch bay có thể kéo dài cho đến mùa thu. “Đầu tư mở đường bay thì không thể tính thu hồi vốn trong thời gian ngắn. Với Cần Thơ, chúng tôi đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng, nay mới bắt đầu có khách và tạo ra nhu cầu”, ông nói.

Ông Kỳ cũng cho biết trước đây, dù chính quyền địa phương đã lên tiếng kêu gọi nhưng các công ty du lịch khác vẫn không chịu gửi khách cho Vietravel. Nay thì các đối tác đã tự tìm đến bởi chính khách hàng có nhu cầu. Công ty cũng nhận được một phần hỗ trợ rất nhỏ từ địa phương, và nếu sắp tới có thêm sự hỗ trợ lớn như kế hoạch mới đây của thành phố thì công ty sẽ khai thác thị trường hiệu quả hơn nữa.

Lo lãng phí

Trao đổi với TBKTSG, người phụ trách kinh doanh của một hãng hàng không cho biết hãng nhận được rất nhiều lời mời mở đường bay từ các địa phương có sân bay. Tuy nhiên, sự hỗ trợ chi phí của địa phương không phải là yếu tố để đi đến quyết định có khai thác thị trường hay không. Việc này cần phải tính toán từ nhu cầu di chuyển, khả năng phát triển trong tương lai, khả năng nối mạng bay, thậm chí là xem xét liệu có ảnh hưởng tới các đường bay lân cận hay không...

Chẳng hạn hiện nay khó có thể kết nối thêm các đường bay đến Huế vì nhu cầu chưa lớn. Thêm vào đó, Huế ở gần Đà Nẵng - một trọng điểm vận chuyển hàng không của miền Trung, rất tiện cho du khách đến rồi tỏa đi các nơi khác bằng đường bộ hoặc đường sắt. Vì thế, theo vị này, thay vì đầu tư quá nhiều cho đường bay thì Huế nên tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch và kết nối với các địa phương lân cận để kéo khách đến.

Doanh nhân này nói: “Với một vài đường bay, chúng tôi có nhận được một phần bù lỗ từ địa phương nên vẫn cứ bay dù không đầy chỗ. Tuy nhiên, việc này không thể duy trì lâu dài. Vấn đề mở đường bay phải tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường, nếu không sẽ gây lãng phí”.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng công ty du lịch hay hãng hàng không không phải cây đũa thần để kích thích du lịch phát triển, nên các địa phương cần tính toán kỹ lưỡng trước khi kêu gọi mở đường bay.

Thêm vào đó, giá thành cũng là vấn đề quan trọng. Muốn phát động một điểm đến thì phải có giá tốt. Để có giá tốt thì phải có lịch bay thường xuyên, hai chiều để doanh nghiệp lên kế hoạch tiếp thị và đặt dịch vụ sớm. Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, nói: “Cầu ít mà cung lớn thì không thể có giá tốt và cũng khó mà duy trì được nguồn cung. Tuy có nơi như Đà Nẵng đã thành công trong việc đưa các chuyến bay thuê bao ban đầu thành những đường bay thường xuyên, nhưng nhiều nơi khác không thể so sánh với Đà Nẵng, vì Đà Nẵng hội tụ nhiều yếu tố về hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ phục du khách trong và ngoài nước”.

Còn theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, với một số điểm đến gần thì đường bay chưa hẳn là lựa chọn tốt mà có khi đường bộ liên tuyến lại phù hợp hơn. Thêm vào đó, cần có chiến lược tiếp thị đồng bộ, liên tục thì mới phát động được thị trường. “Như với đường bay Cần Thơ - Hà Nội, lúc quảng bá tốt thì lượng khách ở phía Bắc tăng cao, nhưng do không truyền thông liên tục nên độ quan tâm của khách ít dần. Mở một đường bay phải đi kèm với tiếp thị và sản phẩm”, bà nói.

Hai tháng sau khi gặp doanh nghiệp bàn về kế hoạch mở đường bay, mới đây, Cần Thơ lại có buổi làm việc để tìm cách tăng cường khai thác các đường bay đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Lãnh đạo thành phố này muốn trả lời câu hỏi tại sao lượng khách đến Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long tăng nhưng tình hình khai thác các chuyến bay đến đây vẫn èo uột. Phía doanh nghiệp cũng đã đưa ra một hướng giải đáp bằng câu hỏi: địa phương muốn thu hút khách nào? Nếu muốn hút khách doanh nhân thì phải phát triển kinh tế địa phương; còn muốn kéo khách du lịch thì phải có sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn. Phải biết khách hàng mục tiêu là ai thì đầu tư mới hiệu quả.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đào Loan

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.