|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ba dự báo kinh tế 2017: Hiệu ứng Domino quanh Donald Trump

07:11 | 13/02/2017
Chia sẻ
Các chuyên gia kinh tế truyền thống thường đưa ra những dự báo thiếu chính xác vào tháng 1. Nhưng với tình trạng toàn cầu hiện nay, những điều truyền thống sẽ càng có ít cơ sở để thành hiện thực.

Các chuyên gia nên chờ tới khi ông Donald Trump yên vị trong Nhà Trắng và bắt đầu chuỗi hành vi bất ngờ của mình kể từ ngày 20/1. Với những biến động và điều kiện thị trường hiện nay, có 3 kịch bản đang chờ đợi thế giới

Các chính sách kinh tế của ông Trump nhiều khả năng sẽ khiến lãi suất và lạm phát tại Mỹ tăng nhanh hơn dự báo của thị trường tài chính. Ngay sau chiến thắng của vị tỷ phú bất động sản này trước bà Hillary Clinton, tình trạng giảm phát kéo dài từ năm 1981 và lãi suất ở mức rất thấp được kỳ vọng sẽ cải thiện. Và chính điều này đã ảnh hưởng tới điều kiện kinh tế và giá tài sản trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư và hoạch định chính sách vẫn còn chút hoài nghi vào chính sách của vị tân Tổng thống Mỹ và ảnh hưởng của chúng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm nay nhưng các thị trường tương lai cho rằng con số đó chỉ là 2.

ba du bao kinh te 2017 hieu ung domino quanh donald trump
Chủ tịch Fed - bà Janet Yellen (trái) và ông Donald Trump (phải) đang có những bất đồng chính sách

Tuy nhiên, khi ông Trump bắt đầu thực hiện những lời hứa tranh cử, Fed nhiều khả năng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn dự kiến. Quan trọng hơn, chính sách của ông Trump kích thích các hoạt động kinh tế và lạm phát thực, qua đó thúc đẩy lãi suất dài hạn – loại lãi suất tác động tới kinh tế toàn cầu mạnh hơn lãi suất qua đêm.

Lý giải cho viễn cảnh này khá đơn giản. Kế hoạch thuế và chi tiêu của ông Trump đi ngược lại quá trình củng cố ngân sách được Quốc hội thực hiện dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống barack Obama. Các hộ gia đình sẽ tăng cường các khoản vay nếu ông Trump thực hiện việc cắt giảm quy định ngân hàng được áp dụng từ năm 2008. Những biện pháp kích thích này được áp dụng trong bối cảnh thị trường lao động gần đạt tới mức toàn dụng, lạm phát chuẩn bị tăng tốc và khả năng cao các biện pháp bảo hộ được áp dụng.

Bất ổn duy nhất nằm ở việc chính sách tiền tệ phản ứng ra sao. Nhưng dù Fed có phản ứng ra sao, các nhà đầu tư trái phiếu vẫn sẽ chịu bất lợi. Lãi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể tăng từ mức 2,5% hiện nay lên trên 3,5% trong năm nay.

Ngược lại, tại châu Âu và Nhật Bản, điều kiện tiền tệ đang có phần nới lỏng. Các ngân hàng trung ương tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng mức lãi suất cực thấp và chương trình nới lỏng định lượng (QE). Sự khác biệt chính sách này có thể là cú sốc thứ 2 mà thị trường tài chính chưa có sự chuẩn bị.

ba du bao kinh te 2017 hieu ung domino quanh donald trump
Chính sách của các ngân hàng trung ương lớn đang có sự khác biệt

Đồng USD có thể thể tiếp tục tăng giá, đặc biệt là so với đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi, bất chấp việc ông Trump muốn thúc đẩy xuất khẩu. Nguyên nhân không chỉ đến từ việc lãi suất tăng mà còn bởi sự thu hẹp của đồng USD tại các thị trường mới nổi – nơi nợ nước ngoài tăng thêm 3.000 tỷ USD từ năm 2010 tới nay. Đồng USD và các khoản nợ cùng tăng từng gây ra cuộc khủng hoảng nợ tại Mỹ Latinh và châu Á hồi những năm 80 và 90 của thế kỷ trước. Vào thời điểm này, chính sách bảo hộ của ông Trump có thể khiến hậu quả còn tồi tệ hơn, đặc biệt là với các quốc gia như Mexico hay Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia có chiến lược phát triển dựa trên tăng trưởng xuất khẩu và hoạt động kinh doanh nội địa phụ thuộc vào các khoản vay bằng đồng USD.

Nhưng may mắn thay, kịch bản thứ 3 không những không tác động tới thị trường tài chính mà còn có lợi cho điều kiện kinh tế toàn cầu: Liên minh Châu Âu (EU) phát triển tốt hơn dự báo trong năm 2017. Đối với các quốc gia (ngoài Mexico và Canada), EU thậm chí còn là thị trường quan trọng hơn thị trường Mỹ.

ba du bao kinh te 2017 hieu ung domino quanh donald trump
EU sẽ vượt qua cú sốc Brexit thế nào?

Tại EU, các chỉ báo kinh tế bắt đầu cải thiện nhanh chóng kể từ đầu năm 2015, khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) quyết định tung ra gói QE lớn hơn những gì Fed từng làm. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế có phần bị choáng ngợp trong năm 2016 bởi những lo ngại về sự tan rã, đặc biệt là sau sự kiện Brexit. Tại Hà Lan, Pháp, Đức và Italy, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên và đang dẫn đầu 3/4 cuộc bầu cử tại các quốc gia này. Sau những cú sốc năm 2016 (sự kiện Brexit và chiến thắng của ông Trump), hiệu ứng domino có thể xảy ra trong năm 2017 và sự thống nhất của khối EU đang bị đe dọa.

Bởi những dự báo như vậy, việc EU ổn định, tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế và hoạt động tài chính sẽ là bất ngờ lớn nhất của năm 2017. Điều này giống như những gì Mỹ làm được trong giai đoạn 2010-2014 khi giữ tốc độ tăng trưởng ở mức ổn định. Sự kiện quan trọng tại châu Âu hiện nay là cuộc bầu cử tại Pháp dự kiến có kết quả vào ngày 7/5. Nếu ông François Fillon hay ông Emmanuel Macron chiến thắng chứ không bà Marine Le Pen, Pháp sẽ bắt tay vào quá trình cải cách kinh tế lớn, tương tự như Đức làm năm 2013 dưới thời Thủ tướng Gerhard Schroeder.

Chỉ cần khả năng cải cách là có, Pháp sẽ có thể giải quyết được những điều khoản thắt lưng buộc bụng do Đức yêu cầu. Một mối quan hệ hợp tác và có tính xây dựng giữa 2 quốc gia hàng đầu châu Âu sẽ giúp đẩy lui Phong trào Năm sao ủng hộ chủ nghĩa dân túy tại Italy.

Tất nhiên, nếu bà Le Pen chiến thắng, viễn cảnh này sẽ trở nên xa vời. Nếu Pháp rời EU giống như những gì vị ứng cử viên cực hữu cam kết, thị trường tài chính và nền kinh tế châu Âu có thể rơi vào khủng hoảng. Tất cả những cuộc thăm dò ý kiến gần đây đều cho thấy khả năng chiến thắng của bà Le Pen là 0% nhưng chẳng phải ông Trump cũng từng rơi vào tình cảnh này sao.

Thạch Thảo