Ám ảnh tăng trưởng
Với kết quả trong chín tháng đầu năm, theo tính toán, nếu muốn cả năm tăng trưởng 6,3% thì quí 4 tăng trưởng phải 7,1%; nếu tăng trưởng 6,5% thì tăng trưởng quí 4 là 7,7%; và nếu tăng trưởng theo kế hoạch là 6,7% thì quí 4 phải đạt mức tăng trưởng 8,3%. Hai kịch bản sau cho thấy, khả năng tăng trưởng cao là không khả thi.
Giải thích cho tình trạng trên, Chính phủ đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Các nguyên nhân như vậy là chưa đủ. Nguyên nhân quan trọng khác chính là do các bộ, ngành đã rất chậm trễ trong triển khai đầu tư công. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong chín tháng đầu năm mà vốn ngân sách nhà nước chỉ giải ngân được 58,6%, vốn trái phiếu chính phủ giải ngân được vỏn vẹn 38,8% (trong khi đó, con số tương ứng của Bộ Tài chính là 54,5%, và 38,8%). Như vậy, chính các bộ, ngành đã đạp phanh cho nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ.
Có thể nêu tên hàng loạt bộ ngành. Bộ Y tế mới chỉ giải ngân vỏn vẹn 26% dự toán chi đầu tư phát triển đến cuối tháng 7. Bộ Tài nguyên và Môi trường giải ngân đạt có 21% tổng số vốn được giao tính đến giữa tháng 9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân được 45% kế hoạch năm đến cuối tháng 8. Bộ Giao thông Vận tải giải ngân 29% kế hoạch được giao tính đến cuối tháng 6. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giải ngân đạt gần 28% kế hoạch năm trong tám tháng đầu năm... Đặc biệt phải kể đến khoản 2.000 tỉ đồng cấp cứu cho hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên không giải ngân được do chính sách vênh nhau giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu thừa nhận: “Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước trên GDP của Quốc hội; nợ công và nợ chính phủ có thể cao hơn mức dự kiến nếu không điều chỉnh cơ cấu nợ”.
Theo Bộ Tài chính, đến cuối tháng 9 đã huy động thành công hơn 250.320 tỉ đồng trái phiếu chính phủ, đạt hơn 100% so với kế hoạch năm. Đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính đạt mục tiêu phát hành trái phiếu chính phủ cả năm cho ngân sách nhà nước ở tháng thứ chín. Với tốc độ giải ngân vốn trái phiếu chính phủ ở mức chậm chạp như nói trên, vô hình trung các bộ, ngành đã làm lãng phí nguồn lực vô cùng lớn. Một mặt, Chính phủ phải trả lãi cho lượng vốn huy động về chả giải ngân được. Mặt khác, chính Chính phủ đang cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn.
Trả lời câu hỏi, Thủ tướng có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng giảm lãi suất cho vay, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận: “Điều hành lãi suất là vấn đề rất khó khăn”. Lời than thở đó là có thể hiểu được từ thực tế trên.
Tăng trưởng không đạt mục tiêu luôn gây ám ảnh cho điều hành kinh tế vĩ mô. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu thừa nhận: “Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước trên GDP của Quốc hội; nợ công và nợ Chính phủ có thể cao hơn mức dự kiến nếu không điều chỉnh cơ cấu nợ”.
Theo tính toán của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến 6,7%, thì GDP sẽ vào khoảng 5,1 triệu tỉ đồng cho cả năm 2016. Lúc này, bội chi ngân sách 254.000 tỉ đồng sẽ tương đương 4,95% GDP. Song, trên cơ sở GDP chín tháng, thì ước tính GDP cả năm chỉ còn khoảng 4,6 triệu tỉ đồng (hụt tới hơn 500.000 tỉ đồng); và như vậy mức bội chi 254.000 tỉ sẽ tương ứng với hơn 5,5% GDP. Kết quả là, ông Kiên cảnh báo, tỷ lệ nợ công sẽ có thể vượt ngưỡng 65% GDP cuối năm nay, dù số tuyệt đối không tăng.
Có thể thấy, tăng trưởng không đạt mục tiêu ảnh hưởng như thế nào tới nợ công vốn đang là vấn đề nhức nhối.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không tỏ vẻ sốt ruột. Ông chỉ đạo các bộ, ngành chú trọng vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng tăng trưởng. “Mỗi khi quyết định chi tiêu ngân sách phải đặt ba câu hỏi. Đó là có tiết kiệm không, có lãng phí không, có hiệu quả không?”, ông đề nghị các thành viên chính phủ khi chốt lại cuộc họp Chính phủ tháng 9. Đó là chỉ đạo đúng đắn. Người dân và nền kinh tế không được lợi gì từ những cổng chào đồ sộ, những tượng đài ngàn tỉ, những dự án công khổng lồ đắp chiếu. Không thể thúc đẩy đầu tư công, hay khai thác dầu thô bằng mọi giá chỉ để đạt mức tăng trưởng. Điều quan trọng nhất, là phải giảm nhũng nhiễu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp yên tâm làm ăn. Đó mới là cách thúc đẩy tăng trưởng bền vững nhất.
Làm gì để thúc đẩy tăng trưởng trong quí cuối năm? Một số giải pháp có thể sẽ được Chính phủ thúc đẩy mạnh trong thời gian còn lại của năm 2016 nhằm hỗ trợ tăng trưởng bao gồm: Thứ nhất, duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức độ kiểm soát được. Ngoài việc khuyến khích các ngân hàng mở rộng tín dụng, đặc biệt là rót vốn vào các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, xuất khẩu... nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cho vay đạt từ 18-20% cho cả năm nay thì giảm lãi suất cũng là giải pháp đang được thị trường rất mong chờ. Việc các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh mới cắt giảm lãi suất huy động vào ngày 26-9-2016 có thể là tín hiệu mở đường cho thấy định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong quí 4. Lạm phát ở mức thấp (chỉ số CPI bình quân chín tháng đầu năm mới tăng 2,07% so với cùng kỳ); tỷ giá ổn định và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào đang là những điều kiện không thể thuận lợi hơn để hỗ trợ cho định hướng trên. Tuy vậy, cần lưu ý là với hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của hệ thống ngân hàng ngày càng bị co hẹp và vấn đề nợ xấu vẫn còn ngổn ngang thì cũng không nên quá kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm với biên độ mạnh. Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công cũng là giải pháp khả thi khi hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ đã hoàn thành kế hoạch và vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong chín tháng đầu năm nay ước tính mới đạt 180.000 tỉ đồng, mặc dù đã tăng 13% so với cùng kỳ nhưng mới chỉ bằng 69,1% kế hoạch năm. Do vậy, dư địa giải ngân vốn đầu tư công còn lại vẫn khá lớn. Thứ ba, Chính phủ có thể xem xét tăng sản lượng khai thác dầu thô. Mới đây, có thông tin cho biết Chính phủ đã giao tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tăng sản lượng khai thác dầu thêm một triệu tấn trong năm nay. Theo một tính toán của Tổng cục Thống kê thì mỗi triệu tấn dầu thô khai thác sẽ giúp GDP tăng trưởng thêm 0,3%. Đây là một giải pháp mang tính “tình thế”, chỉ có thể hỗ trợ cho tăng trưởng GDP trong ngắn hạn nhưng vẫn thường được Chính phủ dùng đến trong những thời điểm tăng trưởng gặp khó khăn. Tuy vậy, còn phải xem năng lực khai thác và các điều kiện hiện tại của PVN có đủ để hoàn thành chỉ tiêu giao thêm này hay không! Bình An |
Theo Tư Giang