Ai sẽ giúp DATC gánh khoản nợ 20.500 tỉ đồng của Vinashin
Con tàu SBIC vẫn chở nặng khoản nợ của Vinashin. Ảnh minh họa: sbic.com.vn
Phát hành nợ đã khó
Trong những ngày này, khi Tòa án Nhân dân (TAND) Thành phố Hà Nội đang xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhà nước” xảy ra đối với một số lãnh đạo SBIC thời kỳ 2010-2017 thì cũng là thời điểm mà Công ty TNHH một thành viên mua bán nợ (DATC) công bố Báo cáo tài chính (2018). Báo cáo này cho thấy, trong số các doanh nghiệp mà DATC tái cơ cấu, đến nay SBIC là con nợ lớn nhất với tổng các khoản phải thu là 20.500 tỉ đồng (khoảng 931 triệu đô la Mỹ). Trong tổng số 20.614 tỉ đồng là nợ phải thu dài hạn của DATC thì khoản nợ phải thu của SBIC chiếm tới 99,5%. Còn tính cụ thể thì SBIC đang nợ DATC 15.406 tỉ đồng trái phiếu phát hành trong nước, quốc tế và 4.281 tỉ đồng phát hành hồi phiếu…
Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết khoản hối phiếu này do DATC phát hành thay SBIC để mua lại số lượng trái phiếu quốc tế đã phát hành năm 2013 nhằm tái cơ cấu nợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Việc lãnh đạo SBIC trong thời hạn tái cơ cấu doanh nghiệp bị đem ra xét xử và việc các khoản nợ đang ghi sổ của SBIC tại DATC cho thấy, không có thông tin sáng sủa nào liên quan đến “con tàu đắm” này kể từ năm 2010 đến nay. Bởi các lãnh đạo SBIC bị bắt do đã nhận lãi ngoài của khoản 2.200 tỉ đồng (nhận từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và 4.000 tỉ đồng (từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Bộ Tài chính) nhưng không thể đưa vào sản xuất - kinh doanh mà đi gửi ngân hàng.
Lật giờ lại hồ sơ về các khoản nợ và tái cơ cấu nợ của SBIC (tiền thân là Tập đoàn Vinashin), theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) năm 2010, khi Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu, SBIC có tổng tài sản 27.429 tỉ đồng, nợ phải trả 23.187 tỉ đồng và 192 tỉ đồng vốn chủ sở hữu. Nhưng sau đó, để tái cơ cấu lại nợ của SBIC ở trong và ngoài nước, Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các bên liên quan liên tục phải đối chiếu. Tại thời điểm hết năm 2011, SBIC có tổng tài sản 80.828 tỉ đồng nhưng đã âm vốn chủ sở hữu và lỗ trước thuế 9.495 tỉ đồng.
Đầu năm 2013, DATC đã phải đứng ra thay mặt Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế có tổng giá trị 627 triệu đô la Mỹ để đảo nợ cho SBIC sau khi Vinashin (tên gọi trước đó) bị một công ty chủ nợ là Bluecrat Mercantile BV khởi kiện tại Anh vì đến hạn không trả được nợ. Sau khi chấp nhận mất đi 70% nợ gốc cho khoản trái phiếu, các chủ nợ nước ngoài nhận nợ mới của SBIC qua DATC với thời hạn 12 năm, gốc và lãi thanh toán khi đáo hạn (2025).
Sau đó, DATC lại phải đứng ra phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ để đảo nợ tại 19 tổ chức tín dụng trong nước cho SBIC. Tổng các khoản nợ gần 15.500 tỉ đồng sau khi hoán đổi còn lại 3.574 tỉ đồng. Khoản trái phiếu này có thời hạn 10 năm và lãi tính theo lãi Trái phiếu Chính phù kỳ hạn tương đương.
Nói khác đi là từ đó đến nay DATC đứng ra nhận nợ thay SBIC, và sau đó SBIC nhận nợ lại DATC tương ứng với giá trị trái phiếu DATC đã phát hành cho các chủ nợ trong và ngoài nước vì SBIC không đủ điều kiện phát hành. Do đó, ngay khi nhận nợ, DATC phải hạch toán ngay vào các khoản phải thu dài hạn đúng theo sổ sách kế toán. Còn phía SBIC thì hạch toán vào các khoản phải trả dài hạn. Tuy nhiên, nếu DATC không công bố Báo cáo tài chính hàng năm thì người ta không biết hiện Chính phủ đang bảo lãnh cho SBIC vay nợ bao nhiêu.
Thu nợ còn mịt mù hơn
Sẽ có người thắc mắc là tại sao khi phát hành trái phiếu đảo nợ trong và ngoài nước năm 2013 không thấy có khoản hồi phiếu nào mà nay trong BCTC của DATC lại có hơn 4.000 tỉ đồng hối phiếu nhận nợ cho SBIC.
Thông tin mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tìm hiểu được là trong quá trình xử lý nợ cho SBIC, một số ngân hàng đã mua lại giá trị trái phiếu đảo nợ của một số tổ chức tín dụng trong và ngoài nước khác là chủ nợ của SBIC và nhận hối phiếu có giá trị tương đương. Do đó, DATC sử dụng công cụ nợ hối phiếu để nhận nợ về cho SBIC.
Điều đó cũng dẫn đến việc tổng giá trị các khoản trái phiếu trong và ngoài nước đảo nợ của SBIC từ năm 2013 đến thời điểm Báo cáo tài chính 2018 của DATC có một số thay đổi. Lý do là các khoản nợ vẫn tiếp tục được xử lý.
Nhưng trên trang web chính thức của SBIC (sbic.com.vn) không hề có bất cứ một bản công bố thông tin nào theo quy định của Chính phủ về việc công bố thông tin đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nươc chi phối. Do đó, người ta không thể biết được tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của doanh nghiệp kể từ khi được tái cơ cấu nợ đến nay ra sao.
Theo quy định khi phát hành trái phiếu đảo nợ thì SBIC phải thành lập Quỹ tích lũy trả nợ trái phiếu của tập đoàn và chỉ dùng quỹ này để thanh toán trái phiếu. Nhưng không ai biết được quỹ này thành lập ra sao, dòng tiền trả nợ hay số dư thế nào. Bởi ngay tại thời điểm xây dựng phương án phát hành trái phiếu, doanh nghiệp chưa có đủ căn cứ, điều kiện để đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ của các đơn vị thành viên nhằm đưa ra khẳng định về khả năng trá nợ của Quỹ tích lũy trả nợ trái phiếu.
Cũng ngay từ thời điểm đó, các chuyên gia xử lý nợ đều nhận định rằng, Đề án tái cơ cấu nợ của SBIC chỉ đủ điều kiện giảm nghĩa vụ nợ cho doanh nghiệp chứ khó đảm bảo nguyên tắc hiệu quả vì không đủ điều kiện xem xét khả năng cân đối dòng tiền tổng thể cho doanh nghiệp 10 năm.
Hiện nay, các doanh nghiệp trực thuộc SBIC (trừ Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm) vẫn gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh do không thể nhận được các đơn hàng lớn. Lý do là không ngân hàng nào dám đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp thực hiện hợp đồng do nợ nần những năm trước để lại hậu quả quá lớn.
Với tình trạng khó khăn ngày một chồng chất, khả năng trả nợ của SBIC như công bố của DATC vẫn ngày một mù mịt như trước.