ACBS: Dự kiến lạm phát năm 2023 sẽ khá cao, có thể tới 4,5%
Trong buổi tọa đàm “Đi tìm động lực thị trường trong bức tranh lạm phát” do Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cùng Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức chiều 24/11, ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên viên phân tích vĩ mô của ACBS cho biết, trong vòng hai tháng tới áp lực lạm phát ở Việt Nam không quá lớn và lạm phát cả năm 2022 sẽ đạt khoảng từ 3 đến 3,6%.
Tuy nhiên đến năm 2023, có thể thấy những rủi ro áp lực lạm phát rất cao khi nhà nước đã phải nâng trần lạm phát lên 4,5%.
Chuyên gia ACBS chỉ ra ba yếu tố gây áp lực lạm phát trong năm 2023, đầu tiên là tác động gián tiếp từ chi phí đẩy ở năm nay sẽ hiển hiện rõ hơn ở năm sau, khi giá xăng dầu khả năng vẫn giữ nguyên ở mức cao dù không có sự tăng đột biến.
Do vậy, tác động gián tiếp từ chi phí đẩy ở năm nay thể hiện rõ hơn ở năm sau sẽ gây áp lực gia tăng lên lạm phát và ở cả kỳ vọng lạm phát của người dân. Khi kỳ vọng lạm phát tăng sẽ kéo theo nhu cầu tăng lương của người dân. Bên cạnh đó giá thuê nhà, nhà cửa... cũng sẽ tăng, từ đó gây áp lực ngược lại cho gia tăng lạm phát năm sau.
Thứ hai, gói hỗ trợ hậu COVID-19 (487 nghìn tỷ) mới giải ngân được khoảng 16 – 20% trong năm nay, do đó áp lực giải ngân trong năm sau là rất lớn. Thứ ba là giải ngân chi ngân sách rất lớn, chi tiêu công năm 2023 cũng sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát.
Từ các yếu tố trên, chuyên gia ACBS dự kiến lạm phát năm 2023 là khá cao và có thể đạt mức trần là 4,5% mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra.
Tán đồng với ý kiến của chuyên gia ACBS, Tiến sĩ Nguyễn Hưu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM bổ sung thêm một vài yếu tố gây áp lực lạm phát của Việt Nam ở năm sau.
Tiến sĩ Huân cho biết, năm 2023 có một cột mốc quan trọng là tăng lương cơ sở, ghi nhận trong lịch sử Việt Nam, mức lương cơ sở tăng thường kéo theo lạm phát và ông khẳng định những áp lực lạm phát trong năm sau là rất lớn, đó là lý do phải nâng mục tiêu lạm phát từ 4 lên 4,5%.
Bên cạnh đó là những yếu tố bất định của nền kinh tế thế giới, cuộc chiến giữa Nga và Ukraina chưa đến hồi kết và chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc trong ngắn hạn, không thể biết trước được những động thái và mức độ căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ lớn đến đâu.
Những biến số này không thể dự báo được và phụ thuộc phần lớn vào các lãnh đạo của các quốc gia đó, vì vậy rủi ro về mặt lạm phát cũng như về sự bất ổn kinh tế vĩ mô thế giới vẫn sẽ rất căng thẳng trong năm 2023.
Vì vậy, Tiến sĩ Huân chia sẻ chính phủ, doanh nghiệp và cả người dân cần lường trước được các kịch bản xấu nhất để có những ứng phó phù hợp. Tiến sĩ nhận định năm 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc hoạch định sản xuất kinh doanh, chi tiêu và các vấn đề khác. Tất cả các yếu tố rủi ro trên sẽ gây ảnh hưởng đến bức tranh toàn cảnh, không chỉ ở lạm phát mà cả tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.