|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

8 xu hướng định hình tương lai của ngân hàng bán lẻ châu Á

17:19 | 20/02/2019
Chia sẻ
Ngân hàng bán lẻ, còn được gọi là ngân hàng tiêu dùng, đang trên đỉnh của một kỉ nguyên phát triển và cơ hội mới.
8 xu huong dinh hinh tuong lai cua ngan hang ban le chau a
Nguồn: PxHere.com

Theo McKinsey & Company, châu Á sẽ đạt hơn 900 tỉ USD doanh thu ngân hàng bán lẻ vào năm 2020, tăng 14% mỗi năm. Bên cạnh đó, châu Á còn được kì vọng trở thành khu vực quản lí tài sản lớn thứ hai trên toàn cầu sau Mỹ, với nhiều tài sản tài chính cá nhân tập trung tại châu Á thay vì châu Âu.

Tuy nhiên, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), ngân hàng tiêu dùng đang được cải tổ mạnh mẽ thông qua thay đổi hành vi của người tiêu dùng, áp dụng công nghệ mới, sự phát triển của tầng lớp trung lưu và đô thị hóa.

Dưới đây là những xu hướng hàng đầu các chuyên gia tài chính nên theo dõi để tận dụng cơ hội trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại châu Á:

1. Thay đổi nhu cầu và hành vi khách hàng

8 xu huong dinh hinh tuong lai cua ngan hang ban le chau a
Nguồn: PxHere.com

Một xu hướng lớn trong ngành ngân hàng bán lẻ châu Á chính là thấu hiểu khách hàng. Ngân hàng tiêu dùng hiện nay không chỉ xoay quanh việc các ngân hàng số hóa dịch vụ ngân hàng của họ mà còn tập trung vào việc đồng cảm với khách hàng, thấu hiểu nhu cầu và cảm xúc của khách hàng và sử dụng điều này làm cơ sở để loại bỏ các vấn đề rắc rối cũng như cung cấp giải pháp thiết thực.

Khảo sát của EY đã chứng minh rằng sự tin tưởng, thuận tiện và cá nhân hóa sẽ tạo thành nền tảng cho mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng. Tại các thị trường phát triển, khách hàng kì vọng được phục vụ 24/7 trên nhiều kênh thông tin. Tại các thị trường mới nổi, công nghệ ngân hàng di động chi phí thấp đang giúp các ngân hàng tương tác với khách hàng mới tại các thị trường có tỉ lệ thâm nhập ngân hàng thấp.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Economist Intelligence Unit (EIU), 55% các nhân viên ngân hàng được khảo sát tại khu vực APAC nghĩ rằng việc thay đổi nhu cầu và hành vi của khách hàng sẽ mang lại tác động lớn nhất đến các ngân hàng bán lẻ trong ba năm tới.

2. Khoa học phân tích dữ liệu và ra quyết định

8 xu huong dinh hinh tuong lai cua ngan hang ban le chau a
Nguồn: EY

Các ngân hàng nắm giữ một cơ sở dữ liệu khách hàng lớn có thể dùng nó để xác định phân khúc mục tiêu và cải thiện trải nghiệm của khách hàng ở từng cấp độ.

Khi trải nghiệm của khách hàng được cải thiện, tương tác giữa ngân hàng và khách hàng cũng như mức độ sẵn sàng đầu tư của khách hàng cũng sẽ tăng.

Theo nghiên cứu của EY, hơn ba phần tư khách hàng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Hàn Quốc cho biết họ sẽ đầu tư nhiều hơn để đổi lấy các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa cũng như để ngân hàng giúp đỡ họ tìm ra cách mới để tiến hành kinh doanh. Tại Việt Nam, hơn 90% khách hàng sẽ làm điều tương tự.

3. Tăng chuyển đổi kĩ thuật số

Tại khu vực APAC, các ngân hàng đang ngày càng tận dụng công nghệ kĩ thuật số, gồm trí thông minh nhân tạo (AI), blockchain, chatbot, ứng dụng di động và API mở để đưa khách hàng vào trọng tâm chiến lược đổi mới của họ. Từ đó tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa dịch vụ ngân hàng.

8 xu huong dinh hinh tuong lai cua ngan hang ban le chau a
Nguồn: EY Global Banking Outlook, 2018

Đa số ngân hàng tại khu vực APAC và đặc biệt là những ngân hàng tại các thị trường mới nổi đang tập trung vào các lĩnh vực trên nhằm thúc đẩy chuyển đổi kĩ thuật số, theo một nghiên cứu của EY.

Có thể kể đến sự thay đổi mô hình kinh doanh và phát triển thành ngân hàng kĩ thuật số của CIMB (Malaysia); hay như việc thử nghiệm các giải pháp fintech mới dựa trên công nghệ AI và khoa học máy tính của OCBC. Ngân hàng DBS cũng đang đổi mới văn hoá của chính mình để đưa ngân hàng vào cuộc sống của khách hàng,...

4. Các phương thức thanh toán mới cạnh tranh với ngành ngân hàng

Phương thức thanh toán mới đang thúc đẩy việc chuyển đổi sang thanh toán điện tử với nhiều giải pháp thanh toán mới nổi như ví điện tử và mạng thanh toán ngang hàng (P2P). Các giải pháp này đang dần thay thế các hình thức thanh toán cũ và thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Tại Trung Quốc, Alipay và WeChat hiện đã thống trị mảng thanh toán di động.

Tại khu vực APAC, việc sử dụng thanh toán di động đã tăng 30% trong năm 2018 và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng tốc trong những năm tới.

Các ngân hàng đã lưu tâm đến vấn đề này, do đó, 48% tổ chức tham gia khảo sát gần đây của EIU tin rằng các công ty thanh toán mới chính là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ trong ba năm tới. Họ tin rằng đến năm 2020, phần lớn khoản thanh toán sẽ không còn nằm ở các phương thức truyền thống.

5. Ngân hàng di động lên ngôi

Khu vực APAC đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của điện thoại di động trong những năm qua và cùng với đó là sự gia tăng của ngân hàng di động.

8 xu huong dinh hinh tuong lai cua ngan hang ban le chau a
Nguồn: McKinsey Personal Financial Services

Năm 2011, lần đầu tiên trong lịch sử 13 năm, khảo sát của McKinsey Personal Financial Services cho thấy người tiêu dùng châu Á đã ít đến ngân hàng so với những năm trước. Ngược lại, việc sử dụng các kênh kĩ thuật số tăng 36% tại các thị trường phát triển và tăng 39% tại các thị trường mới nổi.

Hệ thống tài chính yếu tại một số thị trường mới nổi trong khu vực APAC do thiếu cơ sở hạ tầng, khó khăn về địa lí và trở ngại pháp lí cũng mang lại cơ hội lớn cho ngân hàng di động và các giải pháp tiền tệ di động.

“APAC đang dẫn đầu thế giới về việc áp dụng ngân hàng kĩ thuật số nhờ vào nhu cầu liên tục tăng của người tiêu dùng cùng việc không bị ràng buộc về qui định của ngân hàng kĩ thuật số”, ông Martin Frick, Giám đốc điều hành Temenos Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

6. Thay đổi phương tiện truyền thông

Các ngân hàng ngày càng sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook Messenger và WeChat để cung cấp dịch vụ ngân hàng hiệu quả đến khách hàng. Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng các kênh xã hội của bên thứ ba, một số ngân hàng còn phát triển công cụ truyền thông của riêng họ.

Chẳng hạn, UBS đã hợp tác cùng công ty công nghệ FinChat có trụ sở tại Singapore để phát triển một giải pháp cho phép giao tiếp an toàn giữa khách hàng và cố vấn của họ.

7. Sự bành trướng của các công ty công nghệ lớn

Đối với nhiều nhà phân tích và các nhà băng, không có nhiều công ty fintech có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với thị phần của ngân hàng. Trái lại, các công ty công nghệ lớn, chẳng hạn như thương mại điện tử, thanh toán hoặc nền tảng xã hội, vốn ngày càng cung cấp nhiều dịch vụ tài chính mới là mối đe dọa lớn nhất.

Đặc biệt là tại các quốc gia mới nổi ở khu vực APAC như Trung Quốc và Ấn Độ, nơi các ngân hàng truyền thống yếu hơn và ngày càng nhiều người tiêu dùng tin tưởng trao tiền của họ cho các công ty công nghệ nổi tiếng. Những ông lớn như WeChat của Tencent và Ant Financial của Alibaba đã thiết lập một hệ sinh thái tài chính tích hợp đa cấp.

Những "người chơi" này có lợi thế nói chung là tài sản nhỏ, hiểu biết về kĩ thuật số, được tài trợ tốt và không bị ảnh hưởng bởi những qui định về hệ thống công nghệ thông tin.

Họ có thể áp dụng công nghệ mới nhanh hơn, mô hình hoạt động dựa trên dữ liệu linh hoạt, có được lượng khách hàng lớn và chi phí mua lại trực tuyến thấp. WeChat đã vượt mốc 1 tỉ người dùng hoat động hàng tháng vào tháng 3/2018 và Ant Financial đã có hơn 600 triệu người dùng trên các nền tảng dịch vụ tài chính.

8. Mô hình nền tảng

Các công nghệ mới nổi, kì vọng của khách hàng tăng cao và sự gia nhập của các đối thủ cạnh tranh đột phá đang thúc đẩy các tổ chức tài chính truyền thông khám phá những cấu trúc kinh doanh mới, chẳng hạn như nền tảng plaform.

Đây là một cơ sở hạ tầng kĩ thuật số cho phép nhiều bên liên quan, gồm nhà cung cấp, nhà phát triển thuộc bên thứ ba, đối tác phân phối và đối tác dịch vụ, người tiêu dùng đầu cuối, cùng kết nối trực tuyến, tương tác, tạo và trao đổi giá trị với nhau.

Mô hình nền tảng là một sự thay đổi căn bản từ mô hình truyền thống nơi các ngân hàng hoạt động bên trong một ngành cụ thể. Thay vào đó, mô hình nền tảng tập trung vào việc trở thành một phần của hệ sinh thái rộng lớn hơn và liên kết doanh nghiệp cùng dịch vụ từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Hoạt động trong một hệ sinh thái cho phép các nhà cung cấp chuyển trọng tâm từ bán các dịch vụ của riêng họ sang đáp ứng mong muốn của khách hàng.

Nền tảng hiện nay rất quan trọng bởi các dịch vụ cần phải được cá nhân hóa và phương thức giao hàng phải phục vụ cho khách hàng.

Một ví dụ có liên quan là trường hợp của Bảo hiểm Ping An của Trung Quốc, công ty chuyên cung cấp dịch vụ gồm tài chính, cho vay P2P, tư vấn chăm sóc sức khỏe, bất động sản và giải trí cho hơn 430 triệu người dùng kĩ thuật số thông qua cổng thông tin khách hàng Một Tài khoản (One Account).

Những dịch vụ này kích thích người tiêu dùng truy cập trở lại các dịch vụ cốt lõi của Ping An và nâng tầm vị thế thương hiệu bảo hiểm lớn nhất và có giá trị nhất thế giới cũng như một trong những công ty đầu tư và quản lí tài sản lớn nhất trên thế giới của Ping An.

Xem thêm

Trần Nam Thi