|
 Thuật ngữ VietnamBiz

8 lời khuyên tài chính dành cho thanh niên

07:36 | 30/06/2020
Chia sẻ
Tài chính cá nhân không phải một môn học bắt buộc ở trường trung học hay đại học, nhưng việc thiếu đào tạo cơ bản này khiến nhiều thanh niên không biết cách quản lí tiền bạc của họ.

Nếu không biết về quản lí tiền bạc, bất kì ai trong chúng ta cũng có thể phạm sai lầm dẫn tới mất tiền, nợ nần hoặc luôn trong tình trạng không đủ tiền tiêu. Điều này đặc biệt nghiêm trọng với nhiều người trẻ - những thanh niên chưa có nhiều kinh nghiệm sống. 

Để giúp bạn bắt đầu, Investopedia tổng hợp 8 lời khuyên tài chính dành cho thanh niên sau đây được thiết kế để giúp những người trẻ có thể quản lí tài chính cá nhân hiệu quả nhất.

Lời khuyên tài chính hữu ích dành cho thanh niên

1. Học cách tự chủ

Nếu bạn may mắn thì cha mẹ bạn ít nhiều cũng đã dạy bạn kĩ năng tự chủ về tiền bạc và quản lí tài chính cá nhân ngay từ khi bạn còn là một đứa trẻ. Trong trường hợp ngược lại, bạn phải tự biết cách rèn luyện. 

Nguyên tắc này giúp bạn chi tiêu hợp lí, không lãng phí hoặc bội chi trong thời gian dài dẫn tới nợ nần. Giả sử, bạn có thể quẹt thẻ tín dụng để mua tất cả những món đồ bạn thích nhưng hãy cố gắng thay đổi suy nghĩ này, chờ đến khi bạn tiết kiệm đủ tiền hãy mua.

2. Kiểm soát tương lai tài chính của bạn

Nếu bạn không học cách quản lí tiền của mình, những người xung quanh có thể tác động tiêu cực và khiến tương lai tài chính của bạn bị ảnh hưởng. Những đối tượng này có thể không có thiện chí như nhân viên tư vấn tài chính không có tâm hoặc có ý tốt nhưng không có trình độ chuyên nghiệp. 

Thay vì dựa vào người khác để được tư vấn về quản lí tài chính, bạn hãy chủ động đọc sách, tài liệu về tài chính cá nhân. Khi bạn đã tự trang bị kiến thức, đừng để bất cứ ai làm bạn mất cảnh giác.

8 lời khuyên tài chính dành cho thanh niên - Ảnh 1.

Biết cách quản lí tài chính cá nhân cho phép bạn chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

3. Biết tiền của bạn được chi tiêu vào đâu

Nếu bạn có kiến thức cơ bản về tài chính cá nhân, bạn sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc đảm bảo chi tiêu không vượt quá thu nhập của bạn. Cách tốt nhất để làm điều này là bắt đầu lập kế hoạch ngân sách. 

Theo thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng việc thực hiện các thay đổi nhỏ như quản lí chi phí mua hàng tạp hóa cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến tình hình tài chính nói chung. Ngoài ra, giữ cho chi phí định kỳ hàng tháng của bạn càng thấp càng tốt cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền.

4. Bắt đầu một quĩ khẩn cấp

Một trong những câu thần chú lặp đi lặp lại của các chuyên gia tài chính cá nhân là "tự trả tiền trước". Cho dù bạn có nợ bao nhiêu trong khoản vay sinh viên hay nợ thẻ tín dụng, và cho dù mức lương của bạn có vẻ thấp đến đâu, bạn nên để lại một khoản tiền trong khả năng vào quĩ khẩn cấp. Có tiền tiết kiệm để sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp sẽ giúp bạn thoát khỏi rắc rối về tài chính và yên tâm hơn. 

Ngoài ra, nếu bạn có thói quen tiết kiệm tiền và coi đó là "chi phí cố định" hàng tháng, bạn có thể hoàn thành được mục tiêu tài chính dài hạn: Mua nhà, mua xe, đi du lịch, v.v.

5. Bắt đầu tiết kiệm cho nghỉ hưu

Bạn càng bắt đầu tiết kiệm sớm cho kế hoạch nghỉ hưu của mình, bạn sẽ càng ít phải lo lắng về tương lai sau khi không còn làm việc nữa. Đừng coi khoản tiết kiệm cho nghỉ hưu là một kế hoạch tài chính "tùy chọn", bạn hãy mặc định đó là một sự cần thiết, bắt buộc phải làm.

6. Hiểu về các khoản thuế

Một điều quan trọng khác mà những người trẻ phải học hỏi và chú ý đúng mức là hiểu về các khoản thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân ngay cả trước khi bạn kiếm được khoản lương đầu tiên. 

Khi một công ty cung cấp cho bạn mức lương khởi điểm, bạn cần biết cách tính xem liệu mức lương đó có đủ cho bạn chi tiêu sau thuế và đáp ứng các mục tiêu/nghĩa vụ tài chính của bạn hay không.

7. Bảo vệ sức khỏe của bạn

Bởi vì bạn còn trẻ, công việc có thể chưa ổn định hoặc thậm chí tệ hơn là chưa có công việc toàn thời gian dẫn tới vấn đề với bảo hiểm y tế, xã hội cũng chưa được đảm bảo nên bạn cần chú ý nhiều hơn đến sức khỏe. Hãy thử tưởng tượng bạn không có nhiều tiền nhưng phải nhập viện vì chấn thương nhỏ hoặc vì những trận ốm vặt, bạn cũng sẽ mất rất nhiều tiền.

Nhìn chung bạn vẫn nên mua bảo hiểm, lựa chọn gói dịch vụ phù hợp nhất với khả năng tài chính của bản thân. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự chủ động rèn luyện sức khỏe như ăn nhiều trái cây, rau quả, duy trì cân nặng cân đối, tập thể dục, không hút thuốc, không uống rượu.

8. Bảo vệ tài sản, tiền bạc

Nếu bạn muốn đảm bảo rằng tất cả số tiền kiếm được của bạn sẽ không biến mất vì nhiều lí do khác nhau, bạn sẽ cần phải thực hiện các bước để bảo vệ số tiền đó, chẳng hạn như luôn kí hợp đồng thuê nhà hợp pháp, có công việc phù hợp để có thu nhập ổn định, đầu tư và tiết kiệm đồng thời.

Hãy nhớ rằng, bạn không cần bất kì bằng cấp hay nền tảng đặc biệt nào để trở thành một chuyên gia quản lí tài chính. Nếu bạn sử dụng 8 qui tắc tài chính và lời khuyên kể trên, bạn có thể có một tương lai rộng mở hơn.

Thu Phương