|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

7 yếu tố kỳ vọng chứng khoán Việt Nam khởi sắc năm 2023

15:55 | 19/12/2022
Chia sẻ
Từ những đánh giá về vĩ mô thế giới, vĩ mô trong nước và kỳ vọng thu hút FDI trong thời gian tới, ACBS đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khởi sắc trong năm 2023.

Talkshow với chủ đề “Chiến thuật đầu tư hiệu quả” được diễn ra chiều ngày 16/12, ông Võ Văn Minh, Giám đốc chi nhánh ACBS Cách mạng Tháng 8 đã lý giải những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận giảm 40%, sâu hơn đà giảm chung của thế giới trong năm vừa qua.

Vị chuyên gia kinh tế ACBS cho biết trong năm 2022, lạm phát ở Mỹ và Châu Âu ở mức cao kỷ lục trong 40 năm qua, xuất phát từ chính sách Zero COVID của Trung Quốc khiến chuỗi sản xuất bị gián đoán, chi phí tăng, kết hợp với giá nhiên liệu ở Châu Âu tăng mạnh do chiến sự từ Ukraina, hai yếu tố trên đã làm lạm phát ở Châu Âu và Mỹ tăng cao.

Từ áp lực lạm phát tăng cao, tính đến ngày 14/12, Fed đã phải nâng lãi suất 7 lần từ 0,5% lên 4,5%,. Động thái tăng lãi suất liên tục của Fed đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm, riêng thị trường chứng khoán Việt Nam, ngoài ba tác nhân trên, còn phải trải qua khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Võ Văn Minh, Giám đốc chi nhánh ACBS Cách mạng Tháng 8 chia sẻ trong Talkshow. (Ảnh chụp màn hình).

"Khi những nguyễn nhân tác động xấu đến thị trường biến mất chắc hẳn là tin tốt cho thị trường, vì vậy đây là lý do chúng ta kỳ vọng thị trường trong năm 2023 sẽ khởi sắc hơn, vì những tín hiệu của các rủi ro này đang suy giảm", ACBS lập luận.

Trong vĩ mô thế giới, giá nhiên liệu thế giới đã giảm hơn 30% về mức trước chiến sự. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang nới lỏng các chính sách kiểm soát COVID-19 để mở cửa nền kinh tế trở lại. Đặc biệt sau khi Fed tăng lãi suất từ ngày 14/12, nhiều chuyên gia quốc tế dự báo, đánh giá chính sách kiểm soát thắt chặt tiền tệ của Fed đã gần chạm đỉnh, dư địa để Fed tăng lãi suất trong năm 2023 không nhiều, khoảng 0,5 đến 0,75%.

Đó là những chỉ báo giúp nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào sự khởi sắc trở lại của thị trường chứng khoán không chỉ riêng Việt Nam mà toàn cầu.

Ở vĩ mô Việt Nam, ACBS nhận định kinh tế Việt Nam sẽ có xu hướng tăng trưởng ổn định, do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện biện pháp tăng trưởng tín dụng rất ổn định trong 6 - 7 năm trở lại đây với mức trung bình khoảng 15%. Đây là mức tăng trưởng đủ để đưa GDP Việt Nam tăng 6 - 6,5% nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát dưới 4%.

Tăng trưởng tín dụng Việt Nam ổn định trong 6 - 7 năm vừa với mức trung bình khoảng 15%. (Nguồn: ACBS).

Bên cạnh đó là Chính phủ quyết liệt cải cách hành chính, tăng mạnh đầu tư công 10 – 12 tỷ USD/năm và mở rộng quỹ đất khu công nghiệp lên đến 210 nghìn ha vào năm 2030 (tăng 120%). Điều này giúp thu hút tối đa ngoại lực, đặc biệt FDI chất lượng cao.

Đánh giá các lợi thế cạnh tranh thu hút FDI, ông Văn Minh chia sẻ các điểm mạnh của Việt Nam là đã và đang tham gia 16 hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA, RCEP,… Dân số bước vào thời kỳ vàng (2018 – 2030) với nguồn lao động dồi dào đáp ứng cho sản xuất. Đặc biệt, địa lý gần Trung Quốc là một lợi thế về logistíc (Trung Quốc +1, Friendly Onshore). Quy mô thị trường tăng nhanh và những quyết tâm thu hút FDI của Chính phủ trong việc cải cách thuế, hải quản.

Lợi thế về hiệp định thương mại của Việt Nam. (Nguồn: ACBS).

Từ những đánh giá về vĩ mô thế giới, vĩ mô trong nước và kỳ vọng thu hút FDI hiệu quả trong thời gian tới, ACBS đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khởi sắc trong năm 2023 và những năm tiếp theo bởi hai động lực chính, nền giá thấp tương đương khủng hoảng năm 2012, 2020.

Và Chính phủ quyết tâm phát triển thị trường chứng khoán thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế bằng những mục tiêu rõ ràng, đó là đến năm 2025 thị trường được nâng hạng lên thị trường mới nổi và đến 2030 nâng lên mức thị trường đầu tư từ Ba2 lên Baa3 (Moody’s).

Diệu Nhi