|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

65% doanh nghiệp hoạt động có lãi, mức cao nhất 5 năm trở lại đây

14:28 | 14/03/2017
Chia sẻ
Kết quả điều tra PCI 2016 phản ánh dấu hiệu khởi sắc đối với các doanh nghiệp dân doanh trong nước. Khảo sát trong năm vừa qua, 65% doanh nghiệp hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
65 doanh nghiep hoat dong co lai muc cao nhat 5 nam tro lai day

Ảnh minh họa.

Tại buổi công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam (PCI) sáng 14/3, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết:

Kết quả điều tra PCI 2016 đã phản ánh dấu hiệu khởi sắc đối với các doanh nghiệp dân doanh trong nước. Khảo sát trong năm vừa qua, 65% doanh nghiệp hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của các doanh nghiệp đã tăng mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng từ 12% năm 2015 lên 13% năm 2016.

"Các doanh nghiệp tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh với 48% dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tương đương mức năm trước", ông Lộc cho biết.

Ngoài ra, điều tra từ 1.550 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2016 cũng cho thấy dấu hiệu tích cực tương tự. Cụ thể, có 11% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động mới, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Hơn một nửa số doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất từ 2010. Các doanh nghiệp FDI đánh giá chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng đã giảm bớt.

Tuy nhiên, điều tra PCI cũng cho thấy các nhà đầu tư vẫn e ngại về môi trường kinh doanh bình đẳng và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Các thủ tục hành chính hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn cần được đơn giản hoá, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Chi phí phí chính thức giảm

Điều tra PCI năm nay cho biết doanh nghiệp đã có những phản ánh tích cực hơn về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh tại Hà Nội, TP.HCM.

Cụ thể, Hà Nội đã chú trọng tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả” và“một việc - một đầu mối xuyên suốt”.

Những nỗ lực này bước đầu được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, thể hiện rõ nhất ở chỉ số thành phần Chi phí thời gian và Chi phí không chính thức (lần lượt tăng 0,3 và 0,4 điểm so với năm trước đó).

53% doanh nghiệp cho biết “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký”, tăng đáng kể so với con số 49% (năm 2015) và 38% (năm 2014). 49% doanh nghiệp cho biết “cán bộ nhà nước thân thiện trong giải quyết thủ tục hành chính”, tăng mạnh so với năm 2015 (36%). Trong năm 2016, tỷ lệ cho biết “tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp là phổ biến” đã giảm ấn tượng từ 78% (2015) xuống còn 69% (2016).

TP.HCM mặc dù điểm số PCI tăng 0,36 điểm, nhưng thứ hạng lại giảm 2 bậc, đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng PCI 2016, do một số tỉnh khác như Bình Dương, Vĩnh Long có sự cải thiện mạnh mẽ hơn.

Điểm số PCI của TP.HCM tăng chủ yếu nhờ những bước tiến trong đánh giá của doanh nghiệp về Chỉ số Gia nhập thị trường (số ngày đăng ký doanh nghiệp qua điều tra giảm 3 ngày so với năm trước đó).

Chi phí không chính thức (doanh nghiệp nhìn nhận hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đã giảm từ 76% năm 2015 còn 64% năm 2016) và các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tăng cường sự thân thiện của cán bộ.

Ngoài ra, Báo cáo PCI năm nay dành một chương riêng để đánh giá về cảm nhận các doanh nghiệp về các vấn đề môi trường trong bối cảnh sự cố môi trường gây thiệt hại lớn xảy ra trên cả nước.

Kết quả cho thấy, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp (50% doanh nghiệp FDI và 45% doanh nghiệp) đều tin rằng bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể cũng như áp dụng thêm quy định pháp luật để tránh ô nhiễm.

Được thực hiện năm thứ 12 liên tiếp, báo cáo PCI 2016 dựa vào thông tin phản hồi từ 11.600 doanh nghiệp, tronh đó có trên 10.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt tại 63 tỉnh thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp FDI hoạt động tại 14 tỉnh thành.

N.Mạnh