|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

6 dự án FDI lớn nhất 8 tháng đầu năm

11:15 | 25/08/2016
Chia sẻ
Tổng vốn đăng ký của 6 dự án này lên tới gần 3 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đầu năm 2016.

Tính chung 8 tháng đầu năm, theo thống kê của cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút 1.619 dự án, với tổng vốn đăng ký là 9,795 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tiêu biểu là 6 dự án lớn, với số vốn lên tới gần 3 tỷ USD:

1. Dự án LG Display Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD

Đây là dự án công nghệ sản xuất màn hình hiện đại được LG Display lần đầu tiên đầu tư ra khỏi Hàn Quốc và là dự án lớn thứ hai của tập đoàn này tại khu công nghệ Tràng Duệ, Hải Phòng, với tổng vốn đăng ký lên tới 1,5 tỷ USD

Dự án được cấp phép hoạt động ngày 15/4, và chính thức khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy vào chiều 6/5 .

Mục tiêu của dự án là sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng....

Theo cam kết của nhà đầu tư, cuối năm 2016, LG Display sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2017. Dự án sẽ thu hút khoảng 6000 lao động địa phương tham gia làm việc.

2. Dự án Thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD

Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Thành phố Amata Long Thành, với tổng vốn đăng ký 309 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 753,1 ha, trong tháng 7/2016.

Mục tiêu của dự án: đầu tư xây dựng khu đô thị dịch vụ theo quy hoạch tại Đồng Nai.

3. Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD

Dự án được cấp phép hoạt động vào sáng 30/3 , do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đầu tư, với tổng vốn đăng ký 300 triệu USD.

Theo đó, dự án tập trung tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao (CPC851) tại Hà Nội.

Nhà đầu tư cam kết không để chậm tiến độ hoạt động của dự án và mong muốn thành phố Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi để dự án thành công.

4. Dự án Seoul Semiconductor Vina, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD

Dự án do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại tại Khu Công nghiệp Đồng Văn I với diện tích 7,5 ha. Tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD.

Mục tiêu chính là tập trung nghiên cứu, phát triển, sản xuất, lắp ráp và gia công bóng LED (LED Chip), gói LED (LED package), các sản phẩm bán dẫn, linh kiện LED (LED components), mô – đun LED (LED module)

5. Dự án nhà máy điện gió Hàn Quốc Trà Vinh (giai đoạn 2), tổng vốn đầu tư đăng ký 247,6 triệu USD

Dự án do Công ty Woojin Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) đầu tư , tổng vốn đầu tư đăng ký 247,6 triệu USD.

Dự án có tổng diện tích mặt nước 2.445 héc ta và 2,5 héc ta diện tích mặt đất xây dựng nhà điều hành. Quy mô của dự án giai đoạn này gấp đôi so với giai đoạn trước.

Mục tiêu của dự án chính là sản xuất điện từ năng lượng gió cung cấp vào lưới điện quốc gia, góp phần ổn định việc cung cấp điện cho nền kinh tế.

6.Dự án Midtown, tổng vốn đầu tư 225,62 triệu USD

Dự án do Cayman Islands đầu tư, với tổng vốn đầu tư 225,62 triệu USD. Mục tiêu chính là kinh doanh bất động sản tại TP Hồ Chí Minh.

Dự án Midtown sẽ được chia làm 2 giai đoạn phát triển, trong đó giai đoạn 1 có diện tích 28.000 m2 có quy mô xây dựng gồm 5 tòa nhà cung cấp 1.100 căn hộ. Bên cạnh đó, dự án có đầy đủ các tiện ích như hồ bơi, các khu mua sắm Crescent Mall, Parkson, các tiện ích giáo dịch, y tế khác sẵn có ở Phú Mỹ Hưng chỉ cách dự án trong khoảng từ 500m đến 1 km.

Dự án đã được cấp phép hoạt động và dự kiến sẽ được khởi động vào đầu năm 2017

Hoàng Trang

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.