6 công ty con của Hòa Phát nằm trong danh sách nộp thuế TNDN nhiều nhất 2018
2018 là năm thứ ba Tổng Cục thuế công bố danh sách V1000 gồm các doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam. Theo thống kê, danh sách lần này có 299 doanh nghiệp mới so với lần công bố trước.
5 doanh nghiệp đứng đầu danh sách bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Honda Việt Nam, Tổng công ty khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam.
Tổng số thuế TNDN mà các doanh nghiệp trong danh sách V1000 năm 2018 nộp cao hơn 8,3% so danh sách V1000 năm 2017. Các doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước có tổng số thuế TNDN chiếm 24,6% so với tổng số nộp của V1000 năm 2018.
Xét về tỉ trọng ngành, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 33,37% tổng số thuế TNDN của V1000 năm 2018; lĩnh vực ngân hàng, tài chính và bảo hiểm chiếm 18,78%; lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 10,74%.
Trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) có 6 công ty con góp mặt vào danh sách V1000 năm nay, cụ thể là:
Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, Công ty cổ phần Nội thất Hòa Phát, Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Phát (thuộc Thép Hòa Phát Hải Dương) và Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát Đà Nẵng.
Trong 6 công ty trên, Thép Hòa Phát Hải Dương là doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất năm 2018 với 2.559 tỉ đồng. Tiếp sau là Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát với 936 tỉ đồng.
Năm 2018, Hòa Phát ghi nhận doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 56.580 tỉ đồng, tăng gần 21% so với 2017, lợi nhuận sau thuế đạt 8.600 tỉ đồng, tăng hơn 7%. Toàn Tập đoàn Hòa Phát nộp ngân sách nhà nước 6.388 tỉ đồng, tăng 32% so với năm 2017 (số nộp ngân sách này bao gồm thuế TNDN và nhiều khoản khác).
Số nộp ngân sách của Hòa Phát trong năm 2018 tương đương với tỉnh Bình Định, địa phương xếp thứ 34 trong số 63 tỉnh thành trên cả nước về nộp ngân sách. Trong vòng 10 năm từ (2008 – 2018), các công ty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 27.000 tỉ đồng.
Sản phẩm ống thép Hòa Phát. Ảnh: hoaphat.com.vn
Ở chiều ngược lại, mỗi năm, Hòa Phát được giảm vài trăm tỉ đồng chi phí thuế TNDN do các công ty con của tập đoàn được hưởng ưu đãi thuế.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019 (đã soát xét) công bố mới đây, Hòa Phát đạt doanh thu thuần 30.596 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.860 tỉ đồng và hưởng ưu đãi thuế 166 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Con số ưu đãi này chưa bằng một nửa so với ưu đãi thuế các năm 2016, 2017 hoặc 2018 mà Hòa Phát nhận được.
Ưu đãi thuế cho các công ty con của Hòa Phát qua các năm. Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính.
Cụ thể, năm 2018 Hòa Phát được ưu đãi thuế 601 tỉ đồng, tương đương 7% lợi nhuận sau thuế cùng năm (8.601 tỉ đồng). Năm 2017, tập đoàn nhận ưu đãi thuế 543 tỉ đồng, bằng 6,8% lợi nhuận sau thuế (8.015 tỉ đồng). Năm 2016, các con số lần lượt là 415 tỉ đồng và 6,3%.
Điều 19 và 20 của Thông tư 78/2014/TT-BTC nêu ra một số trường hợp được hưởng ưu đãi thuế cụ thể là:
Thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm và miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao, ....
Hòa Phát hiện đang đầu tư xây dựng dự án Khu liên hợp gang thép tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Ban quản lí khu kinh tế này đã đề nghị Hòa Phát được hưởng cơ chế ưu đãi riêng là thuế suất TNDN 10% trong 30 năm, khác với qui định tại Thông tư 78.
Hiện tại, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành trên 75%; nhà máy cán thép số 1 với công suất 600.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động từ tháng 8/2018; lò cao số 1 đã đang bước vào giai đoạn chạy thử nghiệm.
Nhà máy cán thép số 2 với công suất 1,2 triệu tấn/năm dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019 này. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỉ USD, công suất khi hoàn thiện là 4 triệu tấn thép mỗi năm.