|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'5 mũi giáp công' cho phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam

21:47 | 04/12/2021
Chia sẻ
Bối cảnh hậu dịch COVID-19 càng khiến việc đổi mới mô hình tăng trưởng đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế trở nên cấp thiết.

Đổi mới mô hình tăng trưởng không chỉ để đạt được mục tiêu trong trung hạn và dài hạn mà còn phục vụ mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn.

Đó chính là thúc đẩy phục hồi tăng trưởng sau khủng hoảng của đại dịch COVID-19. Đây là nhiệm vụ trọng yếu đã được Đảng, Chính phủ xác định cần tập trung trong năm 2022 và giai đoạn 2022-2025.

'5 mũi giáp công' cho phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Các diễn giả trao đổi tại Đối thoại chuyên đề: "Đổi mới mô hình tăng trưởng: Thoát bẫy thu nhập và bứt phá" chiều 4/12. (Ảnh: Việt Tuấn).

Xây dựng mô hình tăng trưởng mới

Tại Đối thoại chuyên đề: "Đổi mới mô hình tăng trưởng: Thoát bẫy thu nhập và bứt phá" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economics Times tổ chức, chiều 4/12, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế sau khủng khoảng dịch COVID-19.

Trong một thập kỷ qua, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho thấy nhiều hạn chế như năng suất lao động chỉ bằng 62% so với các nước cùng nhóm thu nhập; chưa phát huy được hết nội lực của đất nước khi khối kinh tế tư nhân lại đang ở vào thế yếu so với kinh tế của khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Không những vậy, việc các địa phương đều tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp - chế bến chế tạo khiến Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh phải đảm đương quá nhiều chức năng chính trị, công nghiệp, nghiên cứu khoa học, đào tạo, logistics, thương mại… khiến quá tải.

TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia kinh tế phát triển cho biết, phân tích mô hình tăng trưởng tại Việt Nam trong 10 năm qua cho thấy, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 40% vào GDP; trong khi vốn đóng góp 53% và yếu tố lao động chỉ đóng góp 7% vào GDP.

Chỉ ra những điểm yếu trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, thứ nhất là kém hiệu quả của các nguồn lực. Bởi, hiện năng suất lao động tại Việt Nam chỉ bằng 62% so với năng suất lao động tại các nước thu nhập trung bình thấp. Tuy lực lượng lao động nhiều, nhưng chưa toàn dụng hết năng lực.

Thứ hai, kinh tế phân bố không đồng đều giữa các địa phương, chủ yếu tập trung vào hai đô thị chính là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Thứ ba, mô hình kinh tế hiện nay chậm phát huy nội lực đất nước. Kinh tế tư nhân lại đang ở vào thế yếu so với kinh tế của khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mặc dù, khối doanh nghiệp tư nhân đã rất nỗ lực, nhưng do quy mô nhỏ, lẻ, xuất phát điểm thấp nên phát triển rất chật vật.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho cho rằng, xây dựng mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam cần huy động tổng hợp nguồn lực đất, lao động, vốn, khoa học và công nghệ…, cùng những nguồn lực mới như số hóa, con người… để tạo ra tăng trưởng.

“Chúng ta phải quyết tâm đổi mới thể chế kinh tế, từ nhà nước pháp quyền đến bố trí lại quan hệ sản xuất, hình thành hệ sinh thái của các thành phần kinh tế Việt Nam”, TS. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.

Khuyến nghị “năm mũi giáp công”

TS. Trần Văn Thọ, Đại học Wasade, Tokyo Nhật Bản cho biết, Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2008-2009. Những năm qua, Việt Nam đạt được tăng trưởng cao. Hiện nay, nếu khống chế được dịch COVID-19 và kinh tế trở lại quỹ đạo từ 6-7% thì Việt Nam có thể đạt được mức thu nhập trung bình cao vào khoảng năm 2025-2026.

Tuy nhiên, ở Việt Nam các vấn đề về phát triển thị trường vốn, thị trường đất đai, chấn hưng khoa học và công nghệ, hiệu suất hóa bộ máy hành chính liên quan tiền lương và chế độ tuyển chọn quan chức các cấp, xác lập quan hệ lành mạnh và hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp… hiện còn đang hạn chế. TS. Trần Văn Thọ khuyến nghị, từ 4-5 năm tới Việt Nam cần hoàn thiện những điều kiện đó mới có thể đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Nhằm tạo sự thay đổi đột phá cho phát triển kinh tế, nhóm chuyên gia kinh tế khuyến nghị “năm mũi giáp công”. Theo đó, mũi thứ nhất là khoa học và công nghệ thì cần xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để liên kết 3 chân kiềng: các trường đại học và viện nghiên cứu là nơi tạo ra khoa học và công nghệ…

Mũi thứ hai là đổi mới cơ chế phân bổ tài nguyên, từ hành chính sang cơ chế thị trường lành mạnh, đảm bảo các điều kiện cơ bản của thị trường. Đồng thời, tháo gỡ các nút thắt căn bản về hạ tầng giao thông, vận tải, logistic.

Mũi thứ ba là không gian kinh tế cần cơ cấu các ngành kinh tế đa dạng theo lợi thế vùng. Cụ thể, có vùng phát triển nông nghiệp, vùng phát triển kinh tế biển, vùng tập trung dịch vụ, vùng công nghiệp. Các ngành khác phải phục vụ ngành có lợi thế chính ở từng vùng, tạo giá trị gia tăng. Mũi thứ tư là cơ cấu lại đô thị hóa. Mũi thứ năm là cơ cấu lại doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.

Theo TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, cần xem lại cách ưu tiên một vài thành phần kinh tế là chủ lực hiện nay chuyển sang chính sách để doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài mở đường, kết nối để lấy doanh nghiệp trong nước làm lực lượng kinh tế đóng vai trò chủ đạo. Đồng thời, tạo đột phá, đưa kinh tế hộ vào đội hình kinh tế hợp tác, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Cùng với đó, kinh tế hợp tác mở đường, dẫn dắt kinh tế hộ phát triển thành kinh tế doanh nghiệp và rút lực lượng lao động ra phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, hình thành các hệ sinh thái sản xuất kinh doanh: tập đoàn kinh tế mạnh dẫn dắt doanh nghiệp địa phương - doanh nghiệp vừa và nhỏ - siêu nhỏ; cơ quan khoa học công nghệ - doanh nghiệp; hợp tác xã - doanh nghiệp…

Còn TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng phải thu hút người tài và tạo phát minh đột phá. Theo đó, điều quan trọng là thu hút và trọng dụng người tài. Công nghiệp hóa trước hết phải dựa vào những phát minh đột phá của người Việt.

Chẳng hạn như sơn Nano Kova của PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe làm từ vỏ trấu, nhưng có thể chịu đựng nhiệt độ 1.000 độ C. Hoặc công nghiệp hóa như cách của doanh nhân Phạm Nhật Vượng, phải mua được những phát minh sáng chế, công nghệ điểm cuối của thế giới...

Thúy Hiền