|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

5 đô thị vệ tinh Hà Nội giờ thế nào?

20:56 | 13/07/2019
Chia sẻ
Quy hoạch 5 đô thị vệ tinh Hà Nội đã trải qua nhiều năm, nhưng đến nay vẫn "án binh bất động", ngoại trừ đô thị vệ tinh Hoà Lạc đã triển khai được một phần.

Theo quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.

Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như: Công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật diện rộng…

Nhưng 10 năm trôi qua, các đô thị vệ tinh này vẫn còn “án binh bất động”, ngoại trừ đô thị vệ tinh Hoà Lạc đã có những khởi động xây dựng khu công nghệ cao, triển khai xây dựng khu đại học quốc gia, nhưng đến nay cũng chưa có trường đại học nào được di chuyển ra đây.

5 đô thị vệ tinh Hà Nội giờ thế nào? - Ảnh 1.

5 đô thị vệ tinh hà nội ra sao?

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên nhân khiến các đô thị vệ tinh “án binh bất động” là việc triển khai quy hoạch chung thành các quy hoạch chi tiết của Hà Nội còn lúng túng, vì vậy không thu hút được đầu tư.

Dân số hiện tại vùng được quy hoạch các đô thị vệ tinh mới có hơn 400.000 dân. Theo ông Nghiêm, nếu hoàn tất được các chức năng của đô thị như đã đặt ra thì chúng ta sẽ giải quyết được 1,4 triệu dân cho nội thành Hà Nội. 

Đồng thời, các đô thị vệ tinh cũng tạo ra quỹ đất lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của Hà Nội và quốc gia.

Trước đó, khi phê duyệt quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ cũng đã kỳ vọng kéo được các trường đại học ra các đô thị vệ tinh, giảm tải được dân số trong nội đô và một loạt các hạ tầng khác cũng sẽ đi theo.

Một hình ảnh hiện hữu là 5 đô thị vẫn nằm trên giấy, sự cựa mình chuyển động của nó theo đô thị trung tâm vẫn quá chậm, và hầu như các nhà đầu tư bất động sản ít quan tâm đến, người dân lại càng ít.

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân mới đây, UBND thành phố Hà Nội cho biết, do nhiều yếu tố, nguyên nhân chủ quan, khách quan đặc biệt là thiếu nguồn lực phát triển như vấn đề quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng hạ tầng khung, việc di chuyển các bộ, ngành, cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế… nên việc đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô còn nhiều hạn chế.

Để tạo động lực cho đô thị vệ tinh phát triển, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng nên đưa đô thị vệ tinh về thành phố. 

Cần công bố rộng rãi các đô thị vệ tinh để tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và giữa đô thị vệ tinh với các khu vực dân cư xung quanh. 

Bên cạnh đó, phải thu hút nguồn lực xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị vệ tinh.

Đặc biệt, thành phố cần tháo gỡ khó khăn cho người dân sinh sống trong vùng quy hoạch đô thị vệ tinh đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc chậm triển khai xây dựng theo quy hoạch.

Cùng góc nhìn với ông Nghiêm, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng để làm được điều đó cần có các chính sách xây dựng 5 đô thị vệ tinh, trước hết là hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng.

“Nếu không làm được điều này thì các đô thị vệ tinh chỉ nằm trên hình vẽ và những điều đã nói chỉ là khẩu hiệu”, ông Tùng nhấn mạnh.

Minh Sơn

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.