|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

48 tỉ đồng bị chiếm đoạt, ai sẽ phải trả?

07:04 | 05/10/2016
Chia sẻ
Câu hỏi trên cần thiết đặt ra trong vụ Nguyễn Thị Lam, nhân viên Eximbank (Phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh Vinh, Nghệ An) làm hồ sơ giả để chiếm đoạt 48 tỉ đồng của sáu khách hàng gửi tại ngân hàng này...

Chiếm đoạt tiền tỉ quá dễ!

Ngày 28-9, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án chiếm đoạt tài sản (48 tỉ đồng) xảy ra tại Phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh Vinh của Eximbank đối với Nguyễn Thị Lam, nhân viên phòng giao dịch (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) và Đặng Đình Hồng, Giám đốc phòng giao dịch (tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng).

Điều tra của Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Nghệ An cho thấy, sau năm năm làm việc tại Phòng giao dịch Đô Lương của Eximbank, nhân viên kiểm ngân Nguyễn Thị Lam quen biết nhiều khách hàng giàu có và mời họ gửi tiền vào ngân hàng này. Sau đó, lợi dụng sự sơ hở của khách hàng, đồng nghiệp, cấp trên... từ tháng 4-2016, Lam bắt đầu thực hiện hành vi rút tiền của khách hàng gửi tại Phòng giao dịch Đô Lương.

48 ti dong bi chiem doat ai se phai tra

Cách thức Lam chiếm đoạt tiền đã được lãnh đạo Công an Nghệ An “mô tả” khá đơn giản. Đó là, về nguyên tắc, muốn rút tiền mặt hoặc chuyển khoản khách hàng phải đến ngân hàng ký vào giấy tờ, thủ tục (lệnh chi tiền, ủy nhiệm chi). Nhưng do khách hàng thân quen nên Lam dễ dàng “xin” chữ ký khống của họ vào tờ giấy trắng (bằng những câu nói kiểu: “Sắp có các chương trình khuyến mãi về tăng lãi suất, ký trước, hoàn tất hồ sơ sau”).

Cũng theo công an Nghệ An, khi có được chữ ký của khách hàng, Lam lập hồ sơ khống - “tự viết tay” nội dung yêu cầu rút, chuyển khoản tiền (của khách hàng) - rồi đưa cho các đồng nghiệp tại Phòng giao dịch Đô Lương trình ban giám đốc, kiểm soát viên trước khi tiền đi ra khỏi hệ thống của Eximbank và về tay của Lam.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 4-2016 đến khi bị phát hiện, Lam đã rút 48 tỉ đồng tiền của khách hàng gửi tại Eximbank Đô Lương mà khách hàng hoàn toàn không hề hay biết. Khi vụ việc bị phanh phui (công an tiến hành điều tra vì thấy Lam giàu có bất thường), sáu khách hàng có tiền trong ngân hàng bị Lam chiếm đoạt đều khẳng định mình không hề rút tiền hay chuyển khoản số tiền gửi tại ngân hàng.

Ngay cả Giám đốc Phòng giao dịch Đô Lương, ông Đặng Đình Hồng, cũng không hề hay biết hành vi chiếm đoạt tài sản của Lam. Khai với cơ quan điều tra, ông Hồng cho biết ông ký vào nhiều hóa đơn chứng từ do Lam lập là vì “nể nang, tin tưởng”. Dù ông Hồng đã bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cơ quan điều tra cho biết sẽ tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa ông Hồng và Lam.

Ngân hàng chịu trách nhiệm

Câu hỏi đặt ra trong vụ này được những người có tiền gửi ngân hàng (nói chung) đặc biệt quan tâm, đó là: Nguyễn Thị Lam chiếm đoạt 48 tỉ đồng của ai? Của khách hàng hay của ngân hàng? Bởi, về phần dân sự, nếu xác định là chiếm đoạt tiền của khách hàng thì Lam phải bồi thường cho khách hàng (nhiều khả năng tiền của khách hàng sẽ bị mất vì Lam không có khả năng đền bù); còn nếu xác định chiếm đoạt tiền của ngân hàng thì Lam có nghĩa vụ bồi thường cho ngân hàng, còn ngân hàng phải có trách nhiệm với khoản tiền của khách hàng gửi tại ngân hàng bị mất.

Theo luật sư Phan Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Phan Hùng, tiền của khách hàng gửi vào Eximbank (Phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh Vinh, Nghệ An) là tiền huy động của Eximbank Đô Lương - được tính vào tài sản của Eximbank Đô Lương - nên Eximbank Đô Lương phải quản lý. Do đó, Eximbank Đô Lương phải có nghĩa vụ với khoản tiền 48 tỉ đồng của khách hàng gửi tại Eximbank Đô Lương bị Nguyễn Thị Lam chiếm đoạt. “Cho dù khách hàng có sơ hở - ký khống - nhưng nếu Eximbank thực hiện đúng nghiệp vụ ngân hàng thì không ai có thể lấy được tiền của khách hàng ngoài chính khách hàng”, ông Hùng nói.

Trao đổi với TBKTSG Online, giám đốc một chi nhánh của Eximbank tại TPHCM, nhìn nhận: “Trách nhiệm trong vụ Nguyễn Thị Lam thuộc về lãnh đạo Phòng giao dịch Đô Lương, cho dù khách hàng có sơ hở”. Bởi vì, nếu lãnh đạo Phòng giao dịch Đô Lương thực hiện đúng chức trách của mình thì Nguyễn Thị Lam chắc chắn không thể nào chiếm đoạt được tiền của khách hàng gửi.

Thực tế, cách thức Nguyễn Thị Lam chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng nhắc nhớ lại cách thức mà Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank chi nhánh TPHCM) đã sử dụng để chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng của nhóm năm công ty Hưng Yên, An Lộc, Phương Đông, Toàn Cầu và SaigonBank Berjaya. Bởi vì nó có sự tương đồng. Đó là, cũng như Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Thị Lam đã mời khách hàng gửi tiền vào ngân hàng nơi mình làm việc rồi làm giả lệnh chi, ủy nhiệm chi (có chữ ký khống của khách hàng nhưng bản chất là giả) để rút tiền.

Theo bản án phúc thẩm tòa đã tuyên đối với Huyền Như, tòa xác định Huyền Như chiếm đoạt tiền của VietinBank chứ không phải chiếm đoạt tiền của nhóm năm công ty. Vì vậy, VietinBank phải có nghĩa vụ với số tiền gửi hơn 1.000 tỉ đồng của năm doanh nghiệp kia.

Mặc dù, bản án phúc thẩm thừa nhận hành vi gian dối, lừa đảo của Huyền Như đối với nhóm năm công ty là có, nhưng vấn đề cốt lõi là Huyền Như chiếm đoạt tiền diễn ra ở bên trong VietinBank - chính VietinBank để mất tiền của khách hàng.

Hay cũng có thể nhìn vào bản án Tòa án TPHCM mới tuyên đối với vụ Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây dựng) để nhận định về trách nhiệm của ngân hàng trong vụ Nguyễn Thị Lam. Đó là tòa đã tuyên buộc Ngân hàng Xây dựng phải trả lại cho khách hàng Trần Ngọc Bích số tiền 5.190 tỉ đồng trong tài khoản của bà Bích tại ngân hàng đã bị Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng, lập hồ sơ khống rút ra chiếm đoạt.

Nhận định về trách nhiệm của Eximbank Đô Lương trong vụ Nguyễn Thị Lam, Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Nghệ An, cũng cho rằng nếu kết luận điều tra chỉ ra khách hàng bị xâm hại thì phía ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường. Câu trả lời cuối cùng có lẽ phải chờ phiên tòa xử Nguyễn Thị Lam.

Quang Chung