|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

4 thói quen tích cực giúp bạn tiết kiệm và đầu tư hiệu quả

07:33 | 09/03/2021
Chia sẻ
Tiết kiệm và đầu tư để quản lý tài chính cá nhân không phân biệt nghề nghiệp hay chức danh công việc, thay vào đó, các thói quen tốt có thể hữu ích hơn với bạn.

Trên thực tế, con đường làm giàu có thể không liên quan đến chức danh công việc của bạn. Một số người có khối tài sản khổng lồ là người bỏ học đại học, giáo viên hay những người không làm kinh doanh, đầu tư khác, theo Business Insider.

Vậy, bí quyết để xây dựng sự giàu có là gì? Câu trả lời là các thói quen tích cực của bạn trong tiết kiệm và đầu tư.

4 thói quen hữu ích để tiết kiệm, đầu tư hướng đến sự giàu có

1. Đặt ra các mục tiêu tài chính rõ ràng

Tâm trí là một công cụ mạnh mẽ. Khi bạn hiểu rõ về những gì bạn muốn, khi nào bạn muốn và có một lý do mạnh mẽ đằng sau mục tiêu của bạn thì cách bạn tư duy cũng sẽ tập trung và hướng đến mục tiêu đó. Dần dần, mục tiêu rõ ràng sẽ quyết định việc bạn có thể tối ưu hóa hiệu quả các hành động tiết kiệm và đầu tư của mình hay không.

Đối với nhiều người giàu có, mục tiêu chỉ là điểm khởi đầu của họ. Sau khi quyết định những gì họ muốn, họ sẽ thiết lập các hệ thống có thể lặp lại để điều chỉnh hành động khớp với mục tiêu và đó mới thực sự là những gì thúc đẩy sự tiến bộ.

4 thói quen tích cực giúp bạn tiết kiệm và đầu tư hiệu quả - Ảnh 1.

Xây dựng mục tiêu tài chính là bước đầu tiên để bạn tiết kiệm và đầu tư hiệu quả. (Nguồn: Business Insider)

Vì vậy, nếu bạn đặt mục tiêu tài chính, chẳng hạn như tiết kiệm 1 tỷ để mua nhà thì đừng dừng lại ở đó. Bạn hãy vạch ra các hành động hàng tuần hoặc hàng tháng cần thực hiện để đạt được mục tiêu. Trong trường hợp này, đó có thể là khoản chuyển khoản 10 triệu mỗi tháng vào tài khoản tiết kiệm.

2. Đầu tư kiếm lời

Dĩ nhiên, bạn sẽ không thể xây dựng sự giàu có mà không đầu tư. Người giàu biết điều này, đó là lý do tại sao họ sử dụng thu nhập của mình để mua các tài sản có giá trị như cổ phiếu và bất động sản. Họ cũng biết rằng đầu tư không phải là xác định thời điểm của thị trường. Điều đó đã được chứng minh là một việc vặt vãnh đối với các nhà đầu tư dài hạn trên 1 thập kỷ.

Thay vào đó, những người quản lý tài chính cá nhân thông minh biết rằng đầu tư là dành nhiều thời gian để phân tích thị trường. Thay vì nắm bắt mức cao và mức thấp ngẫu nhiên của thị trường vào thời điểm hoàn hảo, họ chỉ cần đầu tư số tiền như nhau theo một lịch trình đã định, cũng giống như kim đồng hồ. 

Bằng cách biến đầu tư thành thói quen (với sự trợ giúp của chuyển khoản tự động mỗi tháng), bạn có thể tránh được những sai lầm tốn kém, chẳng hạn như bỏ lỡ những ngày hoạt động tốt nhất trên thị trường chứng khoán và mất lợi nhuận sau nhiều năm. 

Động thái hiểu biết này được gọi là tính trung bình theo chi phí USD, và đó là điều mà bất kỳ ai cũng có thể làm được.

3. Lên kế hoạch cho những khoảng thời gian tồi tệ

Xây dựng sự giàu có là một chuyện, giữ được nó lại là một cuộc chơi khác. Để tiết kiệm lâu dài và đầu tư sinh lời, không bị thất thoát tài sản thì bạn phải chủ động lên kế hoạch cho những tình huống bất trắc.

Cho dù đó là một trường hợp khẩn cấp vì bệnh tật, sự cố thị trường hay phải sửa nhà, sửa xe thì vẫn có những cách để bạn chuẩn bị sẵn sàng hơn cho các tình huống này. Một số chiến lược phổ biến dành cho bạn là: Có quỹ khẩn cấp bằng tiền mặt bằng 6 tháng thu nhập; nghiên cứu và lựa chọn chương trình bảo hiểm y tế phù hợp. 

Nếu không có phần "bảo vệ" trong kế hoạch của bạn, tất cả đều quá dễ dàng để thổi bay các mục tiêu tài chính của bạn khi một bất ngờ không thể tránh khỏi xảy ra.

4. Đa dạng hóa thu nhập

Nếu bạn chỉ có một nguồn thu nhập là khoản tiền lương cố định mỗi tháng thì toàn bộ tương lai tài chính của bạn sẽ phụ thuộc vào khả năng duy trì khoản thu nhập đó. Giả sử bạn không may mất việc, bị giảm lương… thì bạn sẽ chẳng còn gì. 

Tuy nhiên, đây không phải là nỗi sợ hãi đối với những người giàu. Nếu họ mất một nguồn thu nhập do một sự kiện bất ngờ, chẳng hạn như suy thoái thì họ sẽ có những khoản khác thay thế, trong khi vẫn duy trì các khoản tiết kiệm.

Các dòng thu nhập bổ sung phổ biến nhất bao gồm: Sở hữu tài sản tạo ra thu nhập như cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản; biến chuyên môn thành một công việc như tư vấn hoặc huấn luyện; kiếm tiền qua viết lách và giảng dạy các khóa đào tạo trực tuyến; tận dụng mạng lưới để tìm và đầu tư vào các doanh nghiệp uy tín.

Thu Phương