|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

4 nghề nghiệp lí tưởng cho người thiếu tập trung

11:33 | 29/01/2020
Chia sẻ
Bạn thiếu tập trung và cho rằng mình không thể làm gì? Bạn có thể làm rất nhiều đấy!

Ngoài những lợi thế đã quá rõ ràng, một nhược điểm lớn của thời đại công nghệ là những phiền nhiễu phổ biến từ nhu cầu vô tận của con người muốn cập nhật mọi thứ xung quanh: từ kiểm tra nội dung trên Google đến dòng tin nhắn WhatsApp, từ giỏ hàng Amazon đến newsfeed của Facebook…

Dù còn quá sớm để biết tác động lâu dài của đường truyền sẽ ảnh hưởng đến bộ não như thế nào, một số nghiên cứu tâm lí gần đây cho thấy sử dụng mạng xã hội quá nhiều gây ra mất tập trung, thiếu khả năng đồng cảm và các kĩ năng xã hội khác.

Đồng thời, thói quen này cũng làm tăng lòng tự ái và cảm giác bất mãn với cuộc sống. Lối sống “không thể offline” của hầu hết người trẻ ngày nay thậm chí gây ra hậu quả xấu về trí tuệ và văn hóa ở mức chưa từng thấy so với trước đây.

Tuy nhiên, bất chấp xu hướng quá nghiện một thứ gì đó trong thời gian dài rất tự nhiên của con người, tính mất tập trung lại có khả năng tăng cường sự tò mò và sáng tạo. 

Càng nhiều thông tin độc đáo và khác lạ mà bạn tìm kiếm, ý tưởng và phát minh của bạn càng thú vị và bất thường.

Tương tự như vậy, không thể chịu đựng các thói quen, sự nhàm chán và lặp đi lặp lại sẽ thúc đẩy mong muốn tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ và độc đáo, mở rộng cả hiểu biết và trải nghiệm cũng như nuôi dưỡng lòng ham học hỏi về xã hội, trí tuệ và kĩ năng. 

Do đó, giải pháp tốt hơn cho tính thiếu tập trung là chọn một công việc hoặc nghề nghiệp có mức độ “nhiễu sóng” phù hợp với đặc điểm tự nhiên của bạn. Xét cho cùng, tài năng chủ yếu là ở đúng chỗ. 

Một nhiệm vụ hay công việc giúp thói quen tự nhiên và xu hướng hành vi của bạn được phát huy tác dụng có thể đem lại xác suất thành công cao hơn đáng kể.

Dưới đây là 4 nghề nghiệp tiềm năng đòi hỏi tính mất tập trung và luôn biến động đáng kể, theo gợi ý của chuyên gia Havard Tomas Chamorro-Premuzic. 

4 nghề nghiệp lí tưởng cho người thiếu tập trung - Ảnh 1.

Những người thiếu tập trung thường tò mò và sáng tạo hơn. Ảnh: HBR

1. Kinh doanh khởi nghiệp

Công việc đầu tiên và duy nhất sẽ cho bạn một sự tự do và khả năng sáng tạo tuyệt đối là tự làm chủ. 

Từ nảy ra một ý tưởng, tìm ra các nguồn lực để biến ý tưởng đó thành hành động, kết nối với các bên liên quan để bán và phát triển doanh nghiệp, bạn sẽ không có thời gian cho sự nhàm chán hay nhiệm vụ lặp đi lặp lại. 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các phân tích tổng hợp chỉ ra rằng những doanh nhân có xu hướng trải nghiệm và mức độ cởi mở cao hơn bởi họ khác với các nhà quản lí và lãnh đạo ở tính tò mò, quan tâm đến sự đa dạng và mới lạ và cũng như ít có khả năng dự đoán. 

Một số khảo sát cũng cho thấy so với các chuyên gia được tuyển dụng theo quy trình truyền thống, những doanh nhân khởi nghiệp có xu hướng phát triển phạm vi kĩ năng và chuyên môn rộng hơn.

2. PR/Truyền thông

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tắt, ngắt kết nối mạng xã hội hoặc tập trung vào một chủ đề trong thời gian dài, bạn cũng có thể xem xét các vị trí trong ngành PR hoặc truyền thông. 

Thật vậy, rất hiếm có những khoảnh khắc buồn tẻ khi bạn phải quản lí khách hàng từ vô số ngành và doanh nghiệp khác nhau, sẵn sàng đối phó với bất kì sự kiện hay tin tức nào hoặc phải học cách giao tiếp với rất nhiều đối tượng trên rất nhiều mạng xã hội. 

Các chuyên gia PR phải có khả năng tiếp thu và tổng hợp lượng thông tin khổng lồ, sàng lọc càng nhanh càng tốt và biến tính thiếu tập trung thành ưu điểm cho nội dung và câu chuyện của họ. 

Tương tự như vậy, ngành truyền thông đòi hỏi khả năng tổng quát, thoải mái suy nghĩ về mọi khái niệm và ý tưởng ban đầu, quản lí nhiều giai đoạn thực hiện và hậu kì. 

Những rắc rối sẽ không ngừng xuất hiện từ việc phải đối phó với các kiểu tính cách rất khác nhau, những người đang đòi hỏi và mong đợi bạn phải sẵn sàng 24/24.

3. Tư vấn

Một lựa chọn nghề nghiệp lí tưởng khác nếu bạn muốn tránh sự đơn điệu và thói quen là tư vấn. Tất nhiên, có nhiều loại nghề nghiệp tư vấn khác nhau nhưng nhìn chung, công việc này luôn đòi hỏi tính thiếu tập trung, cởi mở để trải nghiệm và tự do suy nghĩ. 

Hãy nhớ rằng dù chuyên môn là yếu tố quan trọng nhất trong tư vấn, những gì bạn biết kém quan trọng hơn những gì bạn sẵn sàng học hỏi. Các chuyên gia tư vấn thành công  là những người có cái nhìn tổng quát thay vì chỉ tập trung vào một chủ đề hay góc độ thích hợp. 

Bên cạnh đó, mỗi nhiệm vụ là một cơ hội để học thêm một điều gì đó, tìm hiểu một khách hàng mới và phát triển chuyên môn mới.

4. Phóng viên

Lựa chọn nghề nghiệp cuối cùng dành cho những người hiếu động là báo chí. Trên thực tế, nghề nghiệp này kết hợp các yếu tố của cả 3 nghề nghiệp được mô tả ở trên. 

Bạn cần xây dựng thương hiệu và bán nó như một nhà kinh doanh, luôn cởi mở và phản ứng với các tin tức và sự kiện, có khả năng chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác và luôn luôn khám phá những câu hỏi mới. 

Điều này đồng nghĩa với việc biến tính thiếu tập trung thành trải nghiệm học tập thực tế và ít cảm tính hơn về những gì bạn biết so với những gì bạn có thể học. 

Nhà triết học xã hội và đạo đức người Mỹ Eric Hoffer từng nói: “Trong thời kì thay đổi sâu sắc, người đang học sẽ thừa hưởng trái đất trong khi những người đã học cảm thấy bản thân đã sẵn sàng đối phó với một thế giới không còn tồn tại”.

Tóm lại, bạn không cần phải cảm thấy căng thẳng để đấu tranh với tính thiếu tập trung vốn là bản năng của con người và là một trong điều tạo nên chính bạn. 

Do đó, cách tiếp cận tốt hơn để cải thiện hiệu suất công việc cũng như tối đa hóa tiềm năng nghề nghiệp là xác định vai trò phù hợp với khuynh hướng tự nhiên. Thay vì chạy theo đam mê, hãy thử làm theo tính cách!

Thu Phương