33 doanh nghiệp sắp chốt quyền chia cổ tức, một công ty chi hơn 3.200 tỷ đồng để trả cho cổ đông
Trong tuần từ 17/7 - 22/7, thị trường chứng khoán Việt Nam có 33 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức bằng tiền mặt, bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:
CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (Mã: PGD) thông báo ngày 21/7 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 45% (4.500 đồng/cp) và nhận cổ phiếu phát hành thêm do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 10%.
Với gần 90 triệu cổ phiếu đang lưu hành, PGD sẽ chi khoảng 405 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2022. Thời gian thanh toán vào ngày 28/9. Với việc nắm giữ 50,5% vốn điều lệ, PV GAS (Mã: GAS) sẽ nhận về hơn 204 tỷ đồng từ đợt cổ tức tiền này.
Về phương án phát hành thêm, PGD cũng dự kiến phân phối gần 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 10:1.
Trong tuần tới, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - Mã: MCH) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 45% bằng tiền (4.500 đồng/cp). Ngày thanh toán dự kiến là 14/8.
Với hơn 716 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Masan Consumer cần chi 3.222 tỷ đồng trả cổ tức đợt này. Trong đó, Công ty TNHH Masan Consumer Holdings - công ty con của Tập đoàn Masan (Mã: MSN) sẽ nhận về 3.019 tỷ đồng do nắm giữ 93,69% vốn điều lệ.
Sau hai năm không chia cổ tức (2022, 2021), Masan Consumer trở lại thanh toán cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 45%. Đây là mức cổ tức từng được công ty duy trì trong 5 năm liên tiếp năm 2016 - 2020.
Năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 28.500 - 31.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.600 - 6.500 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện được khoảng 21% mục tiêu doanh thu và 25% chủ tiêu lợi nhuận (tính theo mốc thấp nhất).
Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank – Mã: HDB) thông báo ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu là 19/7. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 15% bằng cổ phiếu (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới).
Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 theo báo cáo tài chính được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ.
Như vậy, với tổng số cổ phiếu đang lưu hành là hơn 2,51 tỷ cổ phiếu, Ngân hàng HDBank sẽ cần phát hành thêm hơn 377,2 triệu cổ phiếu. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 25.303 tỷ đồng lên 29.276 tỷ đồng.
Trong đó, nhà băng này dự kiến dành khoảng 3.000 tỷ đồng trong phần vốn tăng thêm để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.
Trước đó, ngày 12/6, cổ đông HDBank đã nhận được cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cp).