29 dự án giao thông trọng điểm hơn 243.000 tỷ tại TP HCM năm nay, có cầu Thủ Thiêm 4, ba tuyến vành đai
Theo Vietnamnet, ngày 10/5, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn gửi các sở ngành liên quan về danh sách các công trình giao thông trọng điểm năm 2022.
Cụ thể, danh sách có 29 dự án với tổng mức đầu tư 243.204 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, ODA, phương thức đối tác công tư (PPP).
Trong đó, nhóm dự án chuẩn bị đầu tư gồm 10 công trình là cầu Cần Giờ (huyện Nhà Bè và Cần Giờ), cầu Thủ Thiêm 4 (TP Thủ Đức và quận 7), cụm cảng trung chuyển cảng IDC Long Bình, ba dự án đoạn 1, 2, 4 khép kín vành đai 2 (TP Thủ Đức), đường nối đường Võ Văn Kiệt với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (huyện Bình Chánh), đường cao tốc Mộc Bài - TP HCM và hai dự án đường vành đai 3, 4.
Nhóm dự án đang thi công gồm 13 công trình. Đơn cử là đường vành đai 2, mở rộng Xa lộ Hà Nội, 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm, nâng cấp đường Lương Định Của, cầu Tăng Long, cầu Nam Lý, nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Phước Long, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân),...
Nhóm dự án khởi công mới có 6 công trình gồm: Nút giao An Phú (TP Thủ Đức), mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), dự án phát triển giao thông xanh TP HCM, metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dự án kết nối xe buýt với metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Cũng theo Sở GTVT TP, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cho giai đoạn 2021 - 2025 của TP HCM là 533.529 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách TP 218.239 tỷ đồng và vốn khác như TW, ODA, PPP,… là 315.290 tỷ đồng) và giai đoạn 2026 - 2030 là 437.125 tỷ đồng.
Sẽ có 16 tuyến vành đai, cao tốc, đường sắt đô thị
Trong tương lai, mạng lưới giao thông TP HCM gồm ba tuyến đường vành đai, 5 tuyến đường cao tốc, 8 tuyến đường sắt đô thị và 5 đường bộ trên cao.
TP HCM có ba tuyến đường vành đai. Trong đó, vành đai 2 tới đây sẽ được khép kín; vành đai vành đai 3 kết nối TP HCM với Bình Dương, Đồng Nai; vành đai 4 kết nối thành phố với Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.
Cùng với các tuyến đường vành đai, TP HCM có 5 tuyến đường cao tốc kết nối vành đai, quốc lộ của các tỉnh.
Trong đó có hai tuyến đã đi vào khai thác, một tuyến triển khai năm 2023 và hai tuyến còn lại tập trung triển khai trong đó 1 tuyến đi qua Củ Chi về Tây Ninh, cửa khẩu sẽ được triển khai đầu tư và hoàn thành trong giai đoạn sớm.
Về phía giao thông nội đô, TP HCM là 1 trong những thành phố có quy hoạch rất sớm. Hiện thành phố đầu tư 5 tuyến đường bộ trên cao, kết nối giao thông, các trung tâm với chợ đầu mối, các tuyến đường vành đai...
Thành phố còn có các tuyến đường sắt trên cao gồm TP HCM đi Nha Trang, TP HCM đi Cần Thơ, TP đi Tây Ninh, TP đi Sân bay Long Thành.
Bên cạnh tuyến đường sắt quốc gia, địa phương còn có 8 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài khoảng 250 km. Hiện nay thành phố đang tập trung triển khai.
Tuyến metro số 1 phấn đầu hoàn thành cơ bản đưa vào khai thác năm 2023. Tuyến số 2 cũng sẽ sớm được triển khai.
Bên cạnh đường bộ, đường sắt, địa phương có hệ thống đường thủy, hàng hải rất lớn, dài gần 900 km. Trong đó, đường thủy dài khoảng 500 km với hệ thống cảng lớn.