|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

27.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa giải ngân được vì đâu?

14:32 | 01/11/2019
Chia sẻ
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính từ đầu năm đến nay, Bộ KH-ĐT liên tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành thủ tục và thủ tục đầy đủ đến đâu mới giải ngân vốn đầu tư công đến đó. Hiện Bộ đã giao thêm được hơn 5.000 tỉ đồng, vẫn còn 27.000 tỉ đồng chưa giao được.

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội kì họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình trạng giải ngân chậm là một trong những điểm tối trong bức tranh sáng của nền kinh tế và đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đóng góp của vốn đầu tư công chậm trong giá trị của GDP. Nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Bộ trưởng dẫn số liệu tình hình giải ngân vốn đầu tư công của 10 tháng đầu năm cho thấy, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 49,83% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 54,69% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kì năm 2018.

dung

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp Quốc hội kì 8. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Bộ trưởng, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt với những giải pháp khác nhau, ngay từ tháng đầu của năm, như việc giao kế hoạch vốn sớm, trước 31/12 đã giao được 91,26%, còn lại hơn 33.000 tỉ đồng, tương đương hơn 8% không đủ điều kiện và thủ tục nên không thể giao được.

Tính từ đầu năm đến nay, Bộ KH-ĐT đã liên tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành thủ tục và thủ tục đầy đủ đến đâu, giao đến đó. Đến nay Bộ đã giao thêm được hơn 5.000 tỉ đồng, vẫn còn 27.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa giao được.

"Việc thực hiện các thủ tục, quy trình đủ điều kiện theo luật định là không đáp ứng được nên chúng tôi không thể giao được, vì luật đã quy định rồi", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng liên quan tới việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, năm nay Bộ GTVT là một trong 3 đơn vị có vốn ngân sách lớn, cùng với TP Hà Nội và TP HCM.

"Chúng tôi được giao 26.000 tỉ đồng, nhưng năm nay chúng tôi giải ngân chậm, một số dự án trọng điểm cũng chậm", Bộ trưởng GTVT cho biết.

Cụ thể, ông Thể cho hay, Bộ GTVT đã bố trí 10.000 tỉ đồng cho 11 dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và cho 14 dự án với 15.000 tỉ đồng Quốc hội đã thống nhất giữa năm 2017. Đến thời điểm này, bộ đã bàn giao cho 14 địa phương để tiến hành giải phóng mặt bằng và theo tiến độ các địa phương cam kết.

Từ đây đến tháng 12, sẽ giải ngân được khoảng 4.000/7.000 tỉ đồng phần giải phóng mặt bằng cho toàn tuyến. 14 dự án giao thông cấp bách 15.000 tỉ đồng, từ nay đến cuối năm sẽ khởi công 10 dự án vì hiện nay đang đấu thầu và cũng đã chuẩn bị mặt bằng.

"Trong 3 dự án đầu tư công thì từ đây cho đến cuối năm, chúng tôi sẽ khởi công thêm khoảng 12 gói thầu nữa, do nhiều công trình chuẩn bị đầu tư, cuối năm chúng ta mới khởi công. Do đó, một phần kinh phí sau khi khởi công sẽ cho nhà thầu tạm ứng thì giải ngân phần xây lắp", Bộ trưởng GTVT nói.

Về phần mặt bằng các địa phương, dự kiến từ đây tới cuối năm có thể giải ngân được khoảng 10.000 tỉ đồng liên quan đến giải phóng mặt bằng và việc tạm ứng các dự án khởi công.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết còn có khoảng 10.000 tỉ đồng liên quan đến vốn ODA cũng giải ngân chậm. Có một số dự án đã được giao vốn ODA mới, kinh phí rất lớn được Quôc hội thông qua nhưng triển khai tương đối chậm.

Bên cạnh đó, một số dự án đang triển khai do vướng mắc về mặt thủ tục, do điều chỉnh nên hơi chậm.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng khẳng định, quyết tâm từ đây cho đến cuối năm sẽ giải ngân bằng mặt bằng chung của cả nước là từ 90%-95%.

K.Hà