|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

2017: Kỳ vọng cho lãi suất

06:49 | 14/01/2017
Chia sẻ
Trong năm 2017, NHNN sẽ tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016. Nếu có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay với một số đối tượng và kỳ hạn cụ thể.

Khó khăn vẫn còn nhiều

Kinh tế và thị trường tài chính thế giới trong năm 2017 được nhiều chuyên gia dự báo sẽ gặp nhiều biến động khó lường, thương mại toàn cầu tăng trưởng còn yếu. Rất có khả năng nhiều quốc gia sẽ có chính sách phá giá đối với các đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu, ít nhiều sẽ tác động lên chính sách của Việt Nam.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2017 được dự báo là tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi cầu trên thị trường thế giới còn yếu và chậm phục hồi, kéo theo mặt bằng giá cả xuất nhập khẩu đều đứng ở mức thấp. Đặc biệt, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy sẽ cản trở thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại và đầu tư của nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tỷ giá sẽ phải “đứng mũi chịu sào” khi thương mại toàn cầu giảm. Và áp lực lên tỷ giá, cũng đồng nghĩa đặt thêm gánh nặng lên vai lãi suất. Theo các chuyên gia, điều hành lãi suất sẽ có một năm nhiều thách thức hơn từ những biến động của thị trường tài chính toàn cầu.

2017 ky vong cho lai suat
Duy trì mặt bằng lãi suất ổn định như năm 2016, có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay

Lo lắng đầu tiên với việc lãi suất khó giảm trong năm 2017 tới từ hai sự kiện lớn của nước Mỹ: bầu cử Tổng thống và quyết định nâng lãi suất cơ bản USD thêm 0,25% của FED. Với chính sách của ông Donald Trump - nói ngắn gọn là “nước Mỹ trên hết” - được đồn đoán là sẽ thúc đẩy khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Khi đó, Fed lại có thêm cơ sở để nâng lãi suất USD, và không chỉ tăng một lần. Cơ quan này đã bỏ ngỏ khả năng lãi suất có thể tăng 2 - 3 đợt trong năm 2017. Xu hướng đồng USD mạnh lên sẽ tác động tới đồng tiền của các thị trường mới nổi như Việt Nam. Khi tỷ giá biến động, các NH sẽ phải cân nhắc trong việc điều chỉnh tăng lãi suất VND.

Trong một cuộc trao đổi gần đây với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Đường đi của lãi suất năm nay sẽ chịu nhiều thách thức và áp lực hơn so với 2016. Nếu USD mạnh lên, lãi suất VND không tăng thì dòng tiền tiết kiệm rất có thể sẽ chảy sang kênh đầu tư khác. Ông Hiếu cũng cho rằng, việc điều hành lãi suất năm 2017 sẽ là thách thức với NHNN, để duy trì được mặt bằng lãi suất ổn định như năm 2016 đã là thành công, giảm thêm là vô cùng khó.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra nhận định lạm phát được kỳ vọng tăng dần khi giá hàng hoá, nguyên liệu cơ bản đã thiết lập đáy và đi lên từ năm 2016. Cộng thêm nhu cầu tăng lãi suất huy động để đảm bảo chi tiêu an toàn sau tác động từ Thông tư 06 đã khiến lãi suất huy động chịu áp lực tăng. Như vậy, thì cơ hội giảm cho lãi suất cho vay càng gian nan.

Chưa kể, với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 ở mức 6,7% sẽ khiến cầu tín dụng khá lớn. Điều này cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất vì cho đến nay vốn tín dụng vẫn là nguồn vốn đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển. Do đó áp lực tăng lãi suất huy động, dẫn đến tăng lãi suất cho vay rất lớn. Bên cạnh đó những vấn đề còn tồn tại của hệ thống NH, đặc biệt là nợ xấu cũng sẽ gây ảnh hưởng tới lãi suất. Khi các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro trong lĩnh vực này, đồng nghĩa với việc cơ hội để giảm lãi suất càng hẹp đi.

Giảm lãi suất: Cửa hẹp chứ không đóng

Nhìn chung, bối cảnh trước mắt là vô vàn thách thức. Song theo TS. Vũ Đình Ánh, nếu chúng ta chủ động đẩy nhanh tiến độ và cơ cấu lại thương mại, hàng hóa, nhà xuất khẩu và thị trường xuất nhập khẩu hiệu quả thì cán cân thương mại năm 2017 có thể tiếp tục thặng dư trên cơ sở tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% - gấp đôi so với tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu.

Còn với thị trường tài chính tiền tệ, với những nỗ lực đã đạt được trong ổn định mặt bằng lãi suất năm 2016, năm 2017 biến động của thị trường ngoại hối và việc giảm giá của VND ở mức hợp lý, triển vọng nguồn cung ngoại tệ ổn định và dồi dào… sẽ có nhiều kỳ vọng tạo thêm dư địa cho NHNN điều tiết thị trường, giải toả áp lực lên lãi suất.

2017 ky vong cho lai suat

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh TCTD do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) vừa công bố, các TCTD khá lạc quan về điều kiện, môi trường kinh doanh năm 2017. Các TCTD đánh giá, tình hình kinh doanh tổng thể của ngành NH liên tục được cải thiện. 89,5% TCTD kỳ vọng lợi nhuận của đơn vị tăng trưởng dương so với năm trước. Trong đó, mặt bằng lãi suất được hầu hết các TCTD kỳ vọng ổn định trong năm 2017, một số ít TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất có thể tăng nhưng là mức tăng rất nhẹ, bình quân khoảng 0,2%.

Mới đây, trao đổi với báo giới tại họp báo về điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 và phương hướng năm 2017 của NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết có quá nhiều dự báo khác nhau về tình hình kinh tế thế giới cũng như thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2017.

Quả thực, cả thế giới đều đang chờ đợi sau ngày 20/1, khi ông Donald Trump chính thức điều hành nước Mỹ thì những chính sách của tân Tổng thống sẽ thực sự diễn biến ra sao? Tuy nhiên, với việc điều hành lãi suất, Phó Thống đốc cũng khẳng định: Trong năm 2017, NHNN sẽ tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016. Nếu có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay với một số đối tượng và kỳ hạn cụ thể. Theo đó, qua các kênh nghiệp vụ thị trường mở, NHNN sẽ tiếp tục điều tiết thanh khoản và lãi suất trên thị trường liên NH ở mức hợp lý để các TCTD có thể tiếp cận được nguồn vốn này mà không phải huy động trên thị trường 1, làm tăng lãi suất trên thị trường 1.

Minh Khuê