|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

13 giám đốc công an địa phương được phong tướng

17:14 | 06/11/2018
Chia sẻ
Theo dự thảo mới nhất của luật Công an nhân dân (sửa đổi), vẫn chưa rõ lực lượng công an nhân dân sẽ có tổng cộng bao nhiêu tướng, vì chưa rõ tổng số tướng biệt phái.
13 giam doc cong an dia phuong duoc phong tuong
Lực lượng công an vẫn chỉ có 1 đại tướng giữ chức danh Bộ trưởng. Ảnh: Gia Hân.

Tối đa 6 thứ trưởng giữ hàm thượng tướng

Chiều 6.11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án luật Công an nhân dân (sửa đổi). Nội dung được chú ý nhất vẫn là quy định liên quan đến cấp bậc hàm, đặc biệt là cấp tướng.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), vấn đề phong tướng còn có ý kiến khác nhau giữa các đại biểu. Do đó, UBTVQH đã báo cáo cấp có thẩm quyền (Bộ Chính trị) cho ý kiến.

Bên cạnh đó, UBTVQH cũng cho rằng Bộ Công an vừa điều chỉnh tổ chức, bộ máy, cần có thời gian kiểm nghiệm, đánh giá và có thể tiếp tục điều chỉnh, nên đề nghị quy định về cấp bậc hàm “chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí” xác định cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ; cấp bậc hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh; quy định số lượng, vị trí của từng cấp bậc hàm cấp tướng và giao UBTVQH quy định cụ thể.

Về cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh, một số ý kiến đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với vị trí này là đại tá, bảo đảm tương đương với quân hàm của chỉ huy quân sự địa phương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng việc quy định giám đốc công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng “là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.

Do đó, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo quy định số lượng và tiêu chí xác định vị trí giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng để bảo đảm chặt chẽ và giao UBTVQH căn cứ vào tiêu chí để quy định cụ thể.

Theo đó, dự thảo luật quy định Bộ Công an sẽ có tối đa 201 tướng, trong đó có 1 đại tướng, là bộ trưởng; tối đa 6 thượng tướng là thứ trưởng.

Tuy nhiên, dự thảo luật không quy định rõ các sĩ quan biệt phái có tổng cộng bao nhiêu tướng, nên hiện nay vẫn chưa rõ lực lượng công an nhân dân sẽ có tổng cộng bao nhiêu tướng.

Theo đó, dự thảo quy định các sĩ quan biệt phái tại Ủy ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ tổng cục trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng; sĩ quan Công an nhân dân biệt phái là Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng; sĩ quan Công an nhân dân biệt phái có chức vụ cao hơn được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Trước đó, theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Bộ Chính trị đã có quy định lực lượng công an nhân dân có tối đa 205 tướng, quân đội nhân dân có tối đa 415 tướng.

Giám đốc công an 11 tỉnh có trần quân hàm thiếu tướng

Bên cạnh đó, Bộ Công an sẽ có không quá 35 trung tướng, được áp dụng với cục trưởng và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ, tổ chức không thay đổi hoặc thay đổi theo hướng quy mô lớn hơn kể từ ngày 6.8.2018; có chức năng tham mưu chiến lược, đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, trực tiếp chiến đấu, chủ trì phối hợp hoặc tham gia phối hợp thực hiện chức năng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ toàn lực lượng (số lượng không quá 32); Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an T.Ư; Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, vẫn có 2 địa phương có trần quân hàm trung tướng với giám đốc công an.

Với tổng cộng không quá 159 thiếu tướng, cấp bậc này được áp dụng với cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ và chức vụ, chức danh tương đương (trừ những đơn vị quy định có trần trung tướng); phó cục trưởng và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ có trần cục trưởng là trung tướng (số lượng không quá 139 người);

Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I (không quá 11 người); Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, số lượng không quá 3; Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị không quá 3;

Trần đại tá được áp dụng với đa số giám đốc Công an tỉnh, trừ những địa phương có trần trung tướng đã nói ở trên; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ; Hiệu trưởng các trường trung cấp; trần thượng tá áp dụng với trưởng phòng và tương đương; trưởng công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; trung đoàn trưởng.

Căn cứ quy định tại các điều trên, UBTVQH sẽ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng.

Trưởng phòng và tương đương ở các đơn vị thuộc cơ quan Bộ có chức năng tham mưu, nghiên cứu, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ toàn lực lượng; trưởng phòng tham mưu, nghiệp vụ, trưởng công an quận thuộc Công an thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất cao hơn một bậc so với trần của vị trí trưởng phòng thông thường.

Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quy định cấp bậc hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy của sĩ quan giữ chức vụ, chức danh còn lại trong lực lượng Công an nhân dân.

Xem thêm

Vũ Hân