Xin xây khách sạn 36 tầng cạnh Hồ Tây: Phải theo quy hoạch
Từ chối là đúng
GS.TS.KTS Nguyễn Lân lo ngại, không gian Hồ Tây sẽ bị thu hẹp, cảnh quan, kiến trúc bị thay đổi nếu xây dựng khách sạn 36 tầng tại khu vực này.
Các hoạt động lấn chiếm Hồ Tây từng được báo động. Ảnh: Dân trí |
Vị Kiến trúc sư (KTS) cho biết, từ thời ông còn đảm nhiệm chức vụ KTS trưởng của TP. Hà Nội, vấn đề giữ gìn, bảo vệ cảnh quan khu vực Hồ Tây luôn được chú trọng. Vì lý do đó, bao nhiêu năm qua việc điều chỉnh quy hoạch khu vực này chỉ dựa trên nền tảng nâng cấp, cải tạo, không xây dựng các công trình cao tầng.
Mặt khác, theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử đã được UBND thành phố ban hành năm 2016, khu đất nằm tại vị trí không xây dựng công trình cao tầng.
Hơn nữa, tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực này cũng không cho phép xây dựng công trình cao tầng và các hoạt động lấn chiếm không gian hồ Tây.
Dựa trên những cơ sở hành lang pháp lý được phê duyệt đồng thời dựa trên điều kiện thực tế, KTS Nguyễn Lân nhấn mạnh, Hà Nội không đồng ý cho xây dựng công trình cao tầng tại khu vực này là rất tỉnh táo và cần phải kiên quyết.
Ông cho biết, một trong những lý do Hà Nội thu hút được du khách nước ngoài chính là nhờ có những hồ nước lớn, nằm giữa trung tâm thành phố như Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây... Có thể nói, văn hóa của Hà Nội gắn liền với văn hóa mặt nước, điều này đã giúp Hà Nội phát huy được tối đa lợi thế của một đô thị có nhiều cảnh quan riêng, rất đặc trưng. Hà Nội phải giữ gìn điều này.
"Vì muốn giữ nguyên không gian cho Hồ Tây, giới KTS Hà Nội nhiều năm phải nêu quan điểm, kiên quyết bảo vệ, không cho các công trình, dự án xây dựng lấn hồ.
Song song với đó là yêu cầu phải làm kè, làm đường chạy bao quanh hồ nhằm bảo vệ nguyên trạng về cảnh quan, không gian cho Hồ Tây.
Nếu bây giờ lại muốn sửa sang, xây lại khách sạn Thắng Lợi thành Tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ cao cấp 36 tầng sẽ có nguy cơ thu hẹp mặt thoáng của hồ.
Hơn nữa, việc xây dựng cả một tổ hợp dịch vụ với quy mô lớn như vậy hiển nhiên sẽ phải sử dụng rất nhiều bê tông, sắt thép. Với khối lượng lớn bê tông, sắt thép lớn như vậy mà đổ xuống hồ chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng lớn tới cảnh quan thiên nhiên, vốn là điểm nhấn đặc trưng, là văn hóa của Hà Nội", nguyên KTS trưởng của thành phố lo ngại.
Từ những lo ngại trên, KTS Nguyễn Lân kỳ vọng những người lãnh đạo có trách nhiệm của Hà Nội sẽ kiên trì mục tiêu, giữ vững lập trường, kiên quyết không cho xây dựng, làm thay đổi hiện trạng, phá vỡ cảnh quan tại khu vực này.
Không thể tùy tiện
Nhìn từ góc độ phát triển, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, xu hướng xây dựng nhà cao tầng là xu hướng phổ biến của các đô thị. Tức là thay vì phát triển lan tỏa theo chiều rộng thì các đô thị sẽ lựa chọn phát triển theo chiều cao hay hình thái đô thị “nén”, có mật độ định cư cao, diện tích nhỏ. Vấn đề của Hà Nội là phải tính toán xây dựng ở đâu, vị trí nào cho phù hợp?
Về khu vực Khách sạn Thắng Lợi, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, đây là vị trí có tầm nhìn rất rộng, từ khách sạn có thể nhìn ra toàn cảnh của Hồ Tây và cả sông Hồng. Thực hiện dự án này, nhà đầu tư cầm chắc những thắng lợi, dễ dàng có thể thu hút được du khách.
Tuy nhiên, TS Phạm Sỹ Liêm lưu ý, trước khi xem xét đề xuất của doanh nghiệp, Hà Nội phải rà soát lại các văn bản, quy hoạch của Hà Nội có cho phép xây dựng nhà cao tầng tại khu vực này hay không? Vì sao?
Nếu quy hoạch không cho phép và Thủ tướng đã chỉ đạo không được xây dựng công trình cao tầng, Hà Nội phải nghiêm túc thực hiện. Trong trường hợp muốn điều chỉnh quy hoạch, Hà Nội phải xin ý kiến của Chính phủ.
"Đồng ý, quy hoạch có thể điều chỉnh nhưng phải có trình tự, thủ tục, không thể tùy tiện, nay muốn thế này, mai lại muốn thế khác được. Như thế thì quy hoạch để làm gì?", TS Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.
Tiếp đến, vị KTS cho rằng, Hà Nội phải rà soát lại các di sản, di tích quanh khu vực Hồ Tây, từ đó xác định việc xây dựng các công trình trên có gây ảnh hưởng, tác động tới các di sản đó hay không?
Chắc chắn không thể để một dự án cao ngất ngưởng nằm che khuất hết cả di sản được, như vậy không khác nào biến di sản thành "hạt bụi", TS Phạm Sỹ Liêm nói rõ.