Xét xử vụ Eximbank kiện cá nhân quốc tịch Mỹ vay tiền bằng cách cầm cố cổ phiếu sở hữu của Trầm Bê
Theo bản án phúc thẩm, năm 2012, bà Cung Thị Hồng V. (quốc tịch Mỹ) ký hợp đồng tín dụng với Eximbank vay 81 tỷ đồng để kinh doanh chứng khoán. Thời hạn vay 60 tháng. Đảm bảo cho khoản vay trên, bà H. đã cầm cố 5.771.250 cổ phiếu của bên thứ ba sở hữu là ông Nguyễn Văn M. (ở TP.HCM).
Ba bên ký hợp đồng bảo đảm với thỏa thuận “các quyền lợi tài chính và các quyền khác phát sinh từ chứng khoán như chứng quyền, cổ tức, trái tức, lợi tức, chứng khoán thưởng… thuộc tài sản đảm bảo.
Với khoản cổ tức phát sinh thêm, tính đến ngày 16/10/2017, tổng số cổ phiếu cầm cố nâng lên là 8.007.609 cổ phiếu và đã được phong tỏa.
Quá trình vay, bà V. mới trả được 14,7 tỷ đồng tiền lãi. Tính đến đầu năm 2019, số nợ gốc và lãi tổng cộng là 121,6 tỷ đồng.
Ngân hàng khởi kiện ra tòa yêu cầu khách hàng trả số nợ trên.
Ông Nguyễn Văn M. cho hay, từ năm 2012 đến nay, ông đứng tên hộ ông Trầm Bê (hiện đang bị tạm giam) số lượng 47.355.510 cổ phiếu của Ngân hàng Y., trị giá 746 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của ông Trầm Bê, ông dùng cổ phiếu đảm bảo khoản vay tại Eximbank cho nhóm 7 cổ đông, trong đó bà V. vay 81 tỷ đồng.
Ông Trầm Bê yêu cầu phát mại một lần toàn bộ số cổ phiếu trên.
Bản án cấp sơ thẩm tuyên buộc bà V. phải thanh toán số tiền 121 tỷ đồng. Trường hợp khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì ngân hàng có quyền phát mại tài sản đảm bảo.
Nếu giá trị phát mại lớn hơn nghĩa vụ thanh toán thì ngân hàng phải hoàn trả lại phần giá trị còn lại cho chủ tài sản. Nếu giá trị nhỏ hơn thì bà V. có trách nhiệm thanh toán nốt số tiền còn lại.
Chủ tài sản kháng cáo yêu cầu không tính lãi suất từ ngày 1/11/2015 đến ngày xét xử sơ thẩm.
Cấp phúc thẩm nhận định, theo nguyên tắc, nếu người vay không trả được nợ thì phát mại tài sản thế chấp để trả nợ. Việc tài sản thế chấp bị phong tỏa nên không phát mại được là sự kiện khách quan, không phải lỗi của người vay hay người bảo lãnh.
Thực tế, chủ tài sản nhiều lần đề nghị xử lý tài sản thế chấp.
Do đó, cấp phúc thẩm quyết định không tính lãi trong thời gian từ sau khi hết thời hạn vay và không buộc khách hàng tiếp tục trả tiền lãi phát sinh từ thời điểm xét xử sơ thẩm ngày 19/1/2019 đến thời điểm thực tế thanh toán.
Cấp phúc thẩm buộc bà V. có nghĩa vụ thanh toán số tiền gốc và lãi là 103,1 tỷ đồng. Nếu sau khi phát mại, tài sản phát mại nhỏ hơn nghĩa vụ thanh toán nợ, bà V. có trách nhiệm thanh toán nốt số tiền còn lại.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày phát mại tài sản cho đến khi thực hiện xong khoản nợ, bà V. phải chịu lãi suất trên số tiền chậm trả theo lãi suất quá hạn thỏa thuận.