World Bank dự báo tăng trưởng khiêm tốn năm 2017
Ảnh minh họa: Getty Images |
Lực đẩy chủ yếu của đà tăng là các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, báo cáo của ngân hàng cho biết. Theo đó, World Bank dự báo tăng trưởng năm nay ở 2,7%, đánh giá đây là mức tăng trưởng thấp vào thời kỳ hậu khủng hoảng.
Báo cáo cũng đề cập đến tình trạng không chắc chắn dâng cao sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Dự báo của World Bank cho thấy thế giới có thể vào giai đoạn phục hồi nhẹ sau khủng hoảng tài chính. Trước đó, năm 2016 tăng trưởng ở 2,3%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong những năm gần đây.
Với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, việc Mỹ tăng lãi suất và đồng đôla mạnh đã dẫn đến "tình trạng tài chính thắt chặt đáng kể", có nghĩa là tín dụng trở nên vừa đắt đỏ hơn vừa khó tiếp cận hơn.
Tuy vậy, ngân hàng cho rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục gia tăng ở những quốc gia này, một phần nhờ giá hàng hóa tăng cao (như dầu, kim loại) mà nhiều nước trong số này là nhà xuất khẩu.
World Bank cũng dự báo sự suy giảm trong hoạt động sản xuất của hai nền kinh tế lớn là Brazil và Nga sẽ kết thúc.
Còn với nhóm các nền kinh tế phát triển, Ngân hàng cho rằng tăng trưởng vẫn sẽ tiếp tục chậm chạp, dù nhích nhẹ so với 2016. Tính trung bình nhóm này tăng trưởng 1,8%, vẫn thấp so với thời kỳ trước khủng hoảng.
Tình trạng không chắc chắn sẽ còn gia tăng sau việc Anh tách Liên minh châu Âu và việc Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ. Ngân hàng phân tích vì sao nước Mỹ ảnh hưởng nhiều đến phần còn lại của thế giới trên phương diện thương mại và tài chính.
Có khả năng nước Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn nếu Trump thực thi các cam kết trước đó như giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp, tăng chi cho cơ sở hạ tầng.
Báo cáo cho rằng có khả năng các hàng rào kỹ thuật có thể ảnh hưởng lên thương mại quốc tế. Ngân hàng cảnh báo nguy cơ sẽ không chỉ đến từ Mỹ và còn từ các giới hạn thương mại trên phạm vi toàn cầu đang ngày càng tăng cao vào thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính. Các nước mới nổi và đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất trong xu hướng mới nói trên.
Tình trạng nghèo cùng cực
Báo cáo cho rằng: "Nếu thu nhập đầu người tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ chậm chạp như năm 2015, tình trạng nghèo cùng cực có thể chỉ giảm khiêm tốn xuống 9% vào năm 2030 so với 11% hồi 2013".
"Ngược lại, tăng trưởng quay trở lại ở nhóm mới nổi và đang phát triển có thể giúp giảm tỷ lệ nghèo cùng cực tại đây xuống 4%, gần về mục tiêu 3% của World Bank".
Sau báo cáo của World Bank, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ đưa ra báo cáo triển vọng của mình vào tuần tới (16/1).