|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vườn ươm sẽ là nền tảng thúc đẩy dự án khởi nghiệp

14:49 | 18/11/2016
Chia sẻ
Đo tỷ lệ hoàn vốn đầu tư cho dự án khởi nghiệp là phương pháp đánh giá hiệu quả nhất mà các nước phát triển đang thực hiện.
vuon uom se la nen tang thuc day du an khoi nghiep
Nguồn: Khám phá

Trò chuyện với xung quanh câu chuyện về hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa (Centre for Thinking Science - CTS) cho rằng, TP.HCM nên xây dựng một trung tâm dữ liệu chuyên gia (Hub of expert). Đây sẽ là cửa ngõ, nơi tập hợp nhân tài người Việt trên toàn cầu.

Ông cho rằng các dự án khởi nghiệp của Việt Nam còn chưa đi vào bản chất của khởi nghiệp, nên chưa thể khởi sắc. Vậy nguyên nhân tại sao có tình trạng này?

Ở nước ngoài, khởi nghiệp được dẫn dắt từ ngân sách quốc gia, giao về cho các Trung Tâm Tri thức, Viện Đại học và các Sở Khoa học Công nghệ để thành lập ra các Vườn ươm hoạt động như một doanh nghiệp. Các Vườn ươm sẽ phối hợp chặt chẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp và các quỹ đầu tư rủi ro làm công tác đặt hàng, chuyển giao tri thức về cho cộng đồng sử dụng, bao tiêu các sản phẩm của khởi nghiệp.

Khi đo một dự án khởi nghiệp, người ta sẽ đo tỷ lệ hoàn vốn đầu tư cho dự án đó. Các quỹ đầu tư thiên thần hay tổ chức đầu tư mạo hiểm. Các tập đoàn lớn sẽ mua lại các giải pháp từ các Vườn ươm của các dự án khởi nghiệp.

Ở Việt Nam, chúng ta đang dừng ở mức tổ chức phong trào khởi nghiêp, tạo ra các cuộc thi, mang tính thi thố cho giới trẻ. Đó chỉ là phần khởi xướng của chuỗi giá trị khởi nghiệp sau đó để các em tự đi kiếm vốn, kiếm nhà đầu tư, chuyên gia giúp đỡ... Chúng ta chưa có những Vườn ươm tốt có nền tảng kết nối đầy đủ từ nhà nước, tới cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, để đưa các dự án khởi nghiệp này vào cuộc sống. Do vậy, Chính phủ, cụ thể là trách nhiệm của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Tư Pháp cần đề xuất sớm một cơ chế và chương trình quốc gia về các hoạt động Vườn ươm khởi nghiệp, quy chế tài chính, thuế và các vấn đề pháp lý liên quan.

Ông có thể giải thích cơ sở khoa học nào để ông đưa ra công thức khởi nghiệp thành công là: Tinh (tinh thần) + Tài (tri thức) + Tiền (vốn)?

Nhận định của tôi xuất phát từ kinh nghiệm thường xuyên chấm giải, đối chiếu với các nghiên cứu của bản thân từ các quốc gia đang có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tốt như Singapore, Canada… Theo tôi, sự kiên trì theo đuổi bền bỉ là quan trọng nhất, và công thức này được dựa trên góc độ của một khách hàng mua các dự án khởi nghiệp muốn thấy dự án được theo đuổi đến cùng dù chỉ số rủi ro rất cao.

Theo quan sát của cá nhân tôi, hầu hết các tổ chức khởi nghiệp, hay cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức tại Việt Nam thường các em chỉ chăm chăm đi xin vốn của doanh nghiệp trước. Tôi cho rằng, việc này không hiệu quả. Chúng ta hãy học tập mô hình của Singapore, họ hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp tương tự như một tổ chức kinh doanh, nếu thấy không hiệu quả là cắt vốn đầu tư ngay.

Các bạn trẻ người Việt được đánh giá cao tinh thần máu lửa ban đầu, nhưng thiếu sự bền bỉ. Nhiều bạn trẻ đi thi đoạt rất nhiều giải cao, sau khi nhận huân chương và được tôn vinh thì dự án không đi tiếp được và sau một năm còn rất ít em đi tiếp vì các nhà đầu tư và chính các em không còn đủ kiên nhẫn đi đến đích.

Thường trong 100 dự án, tôi tham gia chấm, chỉ chọn ra được vài dự án có ý tưởng tốt và có sự độc đáo. Vì vậy, theo tôi vốn là yếu tố cuối cùng trong khởi nghiệp.

Theo ông quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp nên tập trung đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp tốt mà chưa có pháp nhân hay cho cả các doanh nghiệp khởi nghiệp (đã có pháp nhân)?

Theo ý kiến cá nhân tôi là nên tập trung đầu tư cho các dự án khởi nghiệp chưa có pháp nhân. Việc đầu tư khởi nghiệp vào các doanh nghiệp đã có pháp nhân sẽ phức tạp và dễ xảy ra tham nhũng. Thứ nhất là do nguồn quỹ eo hẹp, thứ 2 là do chuỗi công việc quá rộng và chúng ta không thể bao hết các doanh nghiệp. Không ai cấm các doanh nghiệp đi tài trợ cho các dự án khởi nghiệp chưa có pháp nhân.

Tại sao lại là tập trung hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp chưa có pháp nhân? Còn là vì những nhà đầu tư rủi ro, những nhà tài trợ cho các dự án này phải được quyền đầu tư và nắm giữ cổ phần tương xứng vào các dự án khởi nghiệp nên sẽ đơn giản hơn trong việc định giá và chia cổ phần khi doanh nghiệp khởi nghiệp còn là tổ chức sơ khai. Trong khi với hiện trạng thành lập doanh nghiệp của Việt Nam, có doanh nghiệp đăng ký vốn rất cao, nhưng thực chất việc vốn rót vào lại không hề như vậy. Và với nhà đầu tư startup thì việc này tương đối phức tạp.

Lý do ông đề xuất chọn Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thí điểm cho dự án khởi nghiệp quốc gia là gì?

TP.HCM có nhiều lợi thế cạnh tranh về chính trị, lịch sử trong Chiến lược định vị trung tâm. Với cộng đồng Hoa kiều lớn mạnh trong các đầu mối làm ăn lớn, trọng yếu của kinh tế khu vực, nếu có định hướng đúng đắn ta sẽ biến TP.HCM thành một cửa ngõ giao dịch mới nghiêng về tri thức của Châu Á như cách Singapore đã làm rất thành công trong 50 năm qua.

Thông qua việc xây dựng các “Vườn ươm Khởi nghiệp” bằng công nghệ cao và tri thức trong các thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam như CNTT&VT, Nông Nghiệp, Du lịch thông minh… sẽ là nền tảng để thúc đẩy cho dự án khởi nghiệp, tạo tiền đề trong việc khởi nghiệp quốc gia thành công. Chúng ta cần tập trung nguồn lực vào những nơi có khả năng thành công nhất như TP.HCM để làm thí điểm triển khai đến các mô hình khởi nghiệp trên toàn quốc.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp căn cơ nhất để TP.HCM có thể thúc đẩy khởi nghiệp và đổi sáng hiệu quả vào lúc này?

Điều kiện cần của TP.HCM là thành lập các “Vườn ươm Khởi nghiệp” và ưu tiên các cơ chế chính sách tài chính, hành chính cho các Vườn ươm hoạt động. Nhưng điều kiện đủ để thành công là chất lượng con người, các tri thức đổ về các Vườn ươm.

Do vậy, giải pháp căn cơ nhất cho TP.HCM lúc này là việc xây dựng một trung tâm dữ liệu chuyên gia. Đây sẽ là cửa ngõ, tập hợp và thu hút nhân tài người Việt trên toàn cầu. Khi họ quyết định trở về nước, họ cũng sẽ đem cả cộng đồng chuyên gia vệ tinh về theo. Đó sẽ là nguồn lực xây dựng Thành phố sáng tạo và khởi nghiệp.

Ngoài ra, tôi đang đề xuất mô hình thành lập Liên minh mới mang tên ERA3.0 (Experts Revolutionnaries Alliance). Đây là cách đi xây dựng các hệ sinh thái liên minh các chuyên gia trong các ngành trọng yếu có khả năng tạo nhiều cuộc cách mạng tri thức – tập trung về phục vụ cho các mũi nhọn kinh tế ở TP.HCM.

Cuối cùng, TP.HCM đã đến lúc cần một cơ chế nhân sự để xây dựng được một giai cấp mới (những Thế hệ hành động - doers) từ lãnh đạo chính quyền đến tập thể doanh nhân trẻ khởi nghiệp: dám nghĩ, dám làm, dám mơ ước khao khát vươn lên, kiên định niềm tin, thay thế nguồn lực nhân sự cũ kém hiệu quả.

Cảm ơn ông!

Ngọc Lý

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.