|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VPBank huy động thành công 600 triệu USD vay hợp vốn tín chấp từ các tổ chức ngoại

16:16 | 28/04/2022
Chia sẻ
Đây là khoản vay tín chấp có giá trị lớn nhất từ trước đến nay của ngân hàng và lần thứ ba trong vòng nửa năm được cấp khoản vay hợp vốn quốc tế. Hai lần trước có tổng giá trị là 300 triệu USD.

 Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ảnh: VPBank).

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) vừa cho biết đã rút vốn thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 600 triệu USD, kỳ hạn 3 năm. Đây là khoản vay tín chấp có giá trị lớn nhất từ trước đến nay của ngân hàng.

Khoản vay được đồng thu xếp và bảo lãnh phát hành toàn bộ bởi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và Maybank Securities Pte (Maybank). Các bên tham gia cho vay bao gồm SMBC, Maybank, Cathay United Bank, CTBC Bank và State Bank of India.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến nửa năm, VPBank đã nhận được ba khoản vay hợp vốn quốc tế cùng được tham gia thu xếp bởi ngân hàng SMBC của Nhật Bản. Trước đó, cuối năm 2021, VPBank đã liên tiếp hai lần huy động thành công các khoản vay hợp vốn có tổng trị giá 300 triệu USD.

Trong năm 2022, VPBank kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt 35%, một con số kế hoạch cao nhất thị trường hiện nay. Cùng với đó, ngân hàng dự kiến trình mục tiêu lợi nhuận trước thuế gấp đôi năm trước đạt 29.662 tỷ đồng, con số này vượt mức lợi nhuận của "quán quân" ngành ngân hàng năm 2021 (Vietcombank với 27.376 tỷ đồng).

Mới đây, ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lãi trước thuế vượt 11.000 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà ngân hàng ghi nhận được từ trước đến nay.

Trong ba tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chất lượng tại ngân hàng riêng lẻ đạt 10,3%, tăng gấp đôi mức trung bình ngành, với sự đóng góp chủ yếu từ các phân khúc chiến lược. Tăng trưởng huy động đạt 11,5%.

Cuối năm 2021, VPBank cũng đã được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Service nâng mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) từ B1 lên Ba3, ngang với xếp hạng quốc gia Moody’s dành cho Việt Nam, với triển vọng tích cực.

Diệp Bình

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.