|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VinaCapital sắp 'đóng' quỹ đầu tư bất động sản, lỗ 200 triệu USD trong 5 năm gần nhất

11:59 | 10/06/2019
Chia sẻ
VinaLand là quỹ đầu tư bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008 - 2011, từ năm 2012, quỹ quyết định thoái vốn và không thực hiện đầu tư thêm.

Quỹ đầu tư bất động sản VinaLand thuộc VinaCapital Group dự kiến sẽ hủy niêm yết chứng chỉ quỹ trên Sàn giao dịch chứng khoán London vào tháng 7 tới đây, chấm dứt hoạt động sau 13 năm. Trong năm 2018, VinaLand đã thực hiện thoái vốn những khoản đầu tư cuối cùng của quỹ. Tại thời điểm 31/3/2019, giá trị tài sản ròng (Net Asset Value – NAV) của quỹ chỉ còn lại 0,5 triệu USD.

Được thành lập từ năm 2006, chiến lược ban đầu của VinaLand là tập trung vào phân khúc tăng trưởng trong thị trường bất động sản mới nổi của Việt Nam, bao gồm các dự án nhà ở, văn phòng, bán lẻ, công nghiệp và giải trí... 

Tuy nhiên cũng chính chiến lược đầu tư này khiến cho VinaLand tổn thất nặng nề trong giai đoạn khủng khoảng 2008 - 2011. Tại đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức vào tháng 11/2012, các cổ đông của quỹ đã chấp thuận đề xuất không đầu tư mới, và xử lý một phần các khoản đầu tư một cách có kiểm soát và trật tự nhằm tối đa lợi ích cho các cổ đông. 

Tại đại hội đồng cổ đông tháng 11/2016, chiến lược này tiếp tục được mở rộng, VinaLand tiến đến xử lý tất cả các tài sản còn lại của quỹ. 

VinaCapital sắp đóng quỹ đầu tư bất động sản, lỗ 200 triệu USD trong 5 năm gần nhất - Ảnh 1.

BM tổng hợp

Tổng tài sản của quỹ bắt đầu sụt giảm từ năm 2014, khi đó còn đạt gần 930 triệu USD. Tuy nhiên thời gian thoái vốn mạnh nhất của VinaLand có lẽ là trong giai đoạn 2016 – 2018, khi thị trường bất động sản hồi phục, giá trị tổng tài sản của quỹ giảm từ 655 triệu USD xuống còn 63 triệu USD (tháng 6/2018). 

Năm tài chính của Vinaland bắt đầu từ đầu tháng 7 năm trước và kết thúc vào cuối tháng 6 năm sau đó. Trong quãng thời gian từ 2013 – 2018, không năm nào quỹ đầu tư của VinaCapital báo lãi. Nặng nề nhất phải kể đến năm 2013 với khoản lỗ thuộc về cổ đông chủ sở hữu 90 triệu USD, trong năm 2018 lỗ 32 triệu USD. Tổng lỗ lũy kế trong giai đoạn 5 năm nói trên lên tới 200 triệu USD.

Các dự án lớn đã thoái của VinaLand có thể kể đến như Century 21, rộng 30 ha tại khu vực Nam Rạch Chiếc (quận 2, TP HCM), thoái vốn năm 2016; dự án quần thể Danang Beach Resort chuyển nhượng thu về 37 triệu USD.

Sang năm 2017, VinaLand cùng với VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), một quỹ đầu tư khác trong Tập đoàn, bán toàn bộ cổ phần tại Đại Phước Lotus - dự án phát triển nhà ở và khu dân cư tại Đồng Nai rộng gần 200 ha. VinaLand thu về 48,8 triệu USD từ thương vụ này.

Các dự án lớn khác được VinaLand thoái vốn trong năm 2018 gồm  Pavillion Square (37 triệu USD) và Aqua City (45,2 triệu USD) hay Capital Square (22,7 triệu USD) và Trinity Garden (23,1 triệu USD). Tuy nhiên, quỹ đầu tư này cũng bị thua lỗ ở nhiều dự án khác như dự án phát triển Khu Đô thị Vĩnh Thái (Nha Trang), dự án Viet Land Development Corp...

Đông A

Sếp Vicem Hà Tiên: Giá bán xi măng vào sân bay Long Thành 'rất chua chát'
Lãnh đạo công ty cho biết thường cung cấp 50-100% sản lượng xi măng ở các dự án lớn phía Nam, theo đó kỳ bạn cung cấp ít nhất gần nửa triệu tấn cho siêu dự án này dù giá biên lợi nhuận không cao.