|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam sẽ có thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm?

14:43 | 31/03/2019
Chia sẻ
Việt Nam lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm mà nghỉ lễ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Tại Quyết định 260/QĐ-LĐTBXH về việc triển khai thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2019", trong nhiều nội dung Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến có nội dung bổ sung thêm ngày nghỉ lễ Tri ân người có công (27/7 dương lịch).

Việc bổ sung ngày nghỉ lễ Tri ân người có công sẽ được hiện thực hóa khi Quốc hội bổ sung nội dung mới này vào Bộ Luật Lao động 2012.

Cho ý kiến về việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ Tri ân người có công (27/7 dương lịch), PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, ngày nghỉ lễ Tri ân người mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn, giống như việc Bộ luật Lao động 2012 ghi nhận ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng vương (10/3 âm lịch), còn thực tế không có một chuẩn mực hay một tiêu chí chung nào để chọn ngày nghỉ.

Việt Nam sẽ có thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm? - Ảnh 1.

Người lao động Việt Nam có thể có thêm một ngày nghỉ lễ trong năm. Ảnh minh họa

Trong khi đó, thể hiện quan điểm cá nhân, chuyên gia hành chính công PGS.TS Nguyễn Hữu Tri thẳng thắn cho rằng không nên bổ sung thêm ngày nghỉ lễ Tri ân người có công (27/7 dương lịch) vào Bộ luật Lao động 2012.

"Việt Nam có rất nhiều ngày lễ, kỷ niệm như ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày Nhà giáp Việt Nam..., vậy phải tính thế nào để tri ân?

Trong cơ chế thị trường, đặc biệt là từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến, không nên đưa ra quá nhiều ngày nghỉ. Nghỉ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp, hạ thấp năng suất của người lao động.

Thời gian chính là sản phẩm, ở các nước nghỉ một ngày đã rất khó khăn vì như thế giảm biết bao nhiêu sản lượng sản phẩm. Việt Nam xác định lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm nhưng lại không chú ý đến điều này, đặc biệt không tiết kiệm, không biết quý thời gian thì rất không nên", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri bày tỏ.

Cũng theo vị chuyên gia hành chính công, những người đề xuất thêm ngày nghỉ lễ Tri ân người có công (27/7 dương lịch) mới đứng trên quan điểm của công chức, những người hưởng lương từ ngân sách, từ tiền thuế của người dân. Còn phía doanh nghiệp, ông tin rằng khi đề xuất này được đưa ra lấy ý kiến, chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI.

Chính PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cũng nhiều lần thể hiện quan điểm về việc Việt Nam nghỉ lễ quá nhiều, đặc biệt là nghỉ dài ngày. Chẳng hạn, trước đây, Tết âm lịch chỉ được nghỉ 2,5-3 ngày, còn bây giờ được nghỉ tới 8-9 ngày. Điều này, theo ông Tri, làm người lao động trở nên trì trệ, lười biếng. Chưa kể, nhiều lao động quê ở xa, sau kỳ nghỉ Tết họ nghỉ việc luôn hoặc lên muộn, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp.

"Điều này cần thay đổi, nhất là khi nền kinh tế đã hội nhập. Một đất nước bị đình trệ y rất nguy hiểm, dù nghỉ làm việc nhưng người ta vẫn phải tiêu dùng và nếu hạch toán kinh tế như vậy thì không được. Do đó, phải làm cho người dân luôn luôn bận rộn, cảm thấy phải đem sức làm việc và phải khiến điều ấy trở thành một thói quen, một tác phong", ông nói.

Ảnh hưởng của những ngày nghỉ toàn quốc lên GDP và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt về lao động và việc làm từ lâu đã là mối quan tâm của các nhà làm luật trên khắp thế giới.

Tại Anh và xứ Wales, mỗi năm có khoảng 8 ngày nghỉ nhân lễ Bank Holiday, Scotland có 9 và Bắc Ireland có 10. Vào ngày này, tất cả ngân hàng và hầu hết công ty đều đóng cửa.

Một báo cáo năm 2012 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế học (CEBR) cho biết Bank Holiday khiến GDP Vương quốc Anh (UK) mất tới 19 tỷ bảng mỗi năm.

Theo CEBR, khoảng 45% thành phần trong nền kinh tế sẽ chịu tác động. Các văn phòng, nhà máy, công trường đều bị ảnh hưởng khi người dân nghỉ làm dịp Bank Holiday. Chỉ khoảng 15% nền kinh tế, trong đó có các cửa hiệu, bar, nhà hàng hay điểm du lịch là hoạt động tốt.

Tại châu Á, Trung Quốc là quốc gia có số ngày nghỉ lễ nhiều bậc nhất, với 2 kỳ nghỉ dài là nghỉ Tết Nguyên đán và Quốc khánh. Đây được gọi là "Tuần lễ vàng" (Golden Week), do chi tiêu dịp này thường tăng vọt, bất chấp sản xuất đi xuống.

Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney đã nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này cho thấy, GDP Trung Quốc giảm 25% quý I mỗi năm do Tết Nguyên đán..

Tại Philippines, một báo cáo của Cục Tình trạng Lao động (BWC) cho thấy nước này có nhiều ngày nghỉ lễ hơn ít nhất 8 quốc gia châu Á, chỉ sau Trung Quốc.

Tổ chức phi lợi nhuận Makati Business Club (MBC) trích số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Điện tử và Bán dẫn Philippines (SEIPI) cho biết năm 2014, các ngày nghỉ lễ của Philippines đã khiến ngành điện tử thiệt hại 1,2 tỷ peso (26,7 triệu USD) mỗi ngày. Tổng cộng năm 2014, ngành này mất 533,9 triệu USD cho 20 ngày nghỉ lễ.

Thành Luân