|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Việt Nam có đang thừa khách sạn, resort?

11:16 | 15/04/2017
Chia sẻ
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết hiện có nhiều ý kiến cho là Việt Nam nhiều khách sạn, resort quá. Tuy nhiên, theo ông Nam, hạ tầng du lịch của Việt Nam, đặc biệt là các tổ hợp phức hợp khu du lịch vui chơi của mình chưa ăn thua gì so với thế giới.
viet nam co dang thua khach san resort
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Làm du lịch, người Việt trở thành ông chủ

Taị buổi tọa đàm “Hạ tầng du lịch - nền tảng cho du lịch Việt Nam cất cánh” vừa diễn ra ngày 14/4, các chuyên gia đều đồng tình việc xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là hướng đi đúng.

Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng du lịch có nhiều thế mạnh để phát triển và đặc biệt với ngành này, người Việt Nam có cơ hội làm chủ trên chính mảnh đất của mình.

"Người Việt Nam ta chưa có cơ hội thành công với công nghiệp và công nghệ. Chúng ta đã từng muốn thành công với công nghiệp tàu thủy, ô tô, điện tử… Chúng ta muốn đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển, nhưng đến nay chúng ta đã rút lại mục tiêu đó rồi, bởi có 15/20 chỉ tiêu không đạt được", ông Nam nói.

Còn với nông nghiệp, ông Nam cho rằng, nếu cứ tiếp tục phương thức sản xuất dựa trên hộ gia đình thì khó có thể tiếp cận với công nghệ cao. Nếu không áp dụng công nghệ thì năng suất không cao, khó có khả năng tạo nên sự bứt phá.

"Còn du lịch thì sao? Người dân chúng ta hoàn toàn có thể làm du lịch được. Điều hành khách sạn 4 - 6 sao Việt Nam hiện phải thuê nước ngoài, đầu bếp nhiều món cũng phải thuê nước ngoài.

Nhưng như vậy nhưng ta làm chủ, còn họ chỉ làm thuê. Còn hơn người nước ngoài nhảy vào thuê ta gia công lắp ráp. Nói như vậy để khẳng định lựa chọn du lịch là kinh tế mũi nhọn là chuẩn xác. Chúng ta trở thành người chủ trên chính mảnh đất của chúng ta", ông Nam nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc Trung ương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn là hướng đi rất chuẩn xác.

Điều này theo ông Nam lại càng có ý nghĩa đối với một năm như năm 2017. Tăng trưởng GDP quý I vừa công bố chỉ đạt 5,1%, đây là mức tăng rất thấp và đáng lo ngại. Trong đó, sản xuất công nghiệp thì tăng thấp, nông nghiệp thì gặp khó khăn về môi trường, biến đổi khí hâu...

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho biết thêm, phiên họp Liên hiệp Quốc vừa qua có thảo luận về việc những nước nào đã thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, trong đó nhiều nước thoát nghèo nhờ du lịch như Mali. Vị chuyên gia này tin tưởng Việt Nam cũng hoàn toàn có thể phát triển theo hướng này.

Việt Nam có đang thừa resort, khách sạn?

Cũng tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết hiện có nhiều ý kiến cho là Việt Nam nhiều khách sạn, resort quá.

"Tôi không có số liệu cụ thể để so sánh với các nước trong khu vực, nhưng về mặt cảm tính để nhận xét thì tôi thấy hạ tầng du lịch của mình, đặc biệt là các tổ hợp phức hợp khu du lịch vui chơi của mình chưa ăn thua gì so với thế giới", ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng số lượng phòng khách sạn 5 sao của Việt Nam cũng chưa ăn thua gì so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, một số tổ phức hợp du lịch lớn lại có thể kéo cả tỉnh trở nên nổi tiếng vì du lịch, như Bình Định hiện nay chẳng hạn.

Ông Lương Hoài Nam cho biết năm ngoái, Việt Nam đón được 10 triệu khách quốc tế. Trong khi Singapore đón 20 triệu khách, HongKong đón 25 triệu, Thái Lan đón 30 triệu. Như vậy, số khách du lịch Việt Nam chỉ bằng 1/2 Singapore, bằng 2/5 HongKong, bằng 1/3 Thái Lan.

viet nam co dang thua khach san resort
Ông Lương Hoài Nam.

"Báo chí vừa đưa ra một con số đau lòng là thành phố này không giữ được khách du lịch quá 3 ngày. Nếu như thời gian tới đây nếu giữ được 5-7 ngày thì lấy đâu ra phòng. Vì vậy nói số phòng, resort của Việt Nam nhiều thì chưa đúng", ông Nam cho rằng vấn đề hiện nay của ngành du lịch đó là làm sao để thu hút và giữ chân được khách ở lại lâu hơn.

Khi đề cập vấn đề này, ông Nam cũng bàn thêm về câu chuyện visa. Ông Nam cho biết nhiều người nói bỏ đi thì khó quá, có thể giảm từ 45 xuống 25 USD, nhưng đối với những người giàu, 45 hay 25 USD không quan trọng. Điều quan trọng là họ không muốn có thủ tục này.

"Chúng ta vẫn nói thế mạnh của du lịch Việt Nam là ẩm thực, nhưng tôi hiếm thấy ai quyết định điểm đến mà dựa vào ẩm thực địa phương. Chúng ta phải hiểu cho đúng nhu cầu và đáp ứng nhu cầu đó thì mới phát triển được", ông Nam nói.

N. Mạnh