|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam chi 2,4 tỉ USD nhập xe ngoại trong 4 tháng đầu năm

16:59 | 01/05/2019
Chia sẻ
Trong 4 tháng có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 76,3% tổng kimngạch nhập khẩu, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,8 tỉ USD, tăng 20%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 11,6 tỉ USD, tăng 15,2%; ô tô 2,4 tỉ USD, tăng 95,6%

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 4 ước tính đạt 20,6 tỉ USD, giảm 2,6% so với tháng trước.

Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng giảm so với tháng trước: Chất dẻo giảm 5,5%; xăng dầu giảm 7,8%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 9,5%; điện thoại và linh kiện giảm 11,6%; ô tô giảm 12,3%.

Một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ô tô tăng 65,1%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 46,4%; sản phẩm chất dẻo tăng 25,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 21,8%; chất dẻo tăng 13,4%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 78,05 tỉ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 76,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,8 tỉ USD (chiếm 20,2% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 20%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 11,6 tỉ USD, tăng 15,2%; ô tô đạt 2,4 tỉ USD, tăng 95,6%; sản phẩm chất dẻo đạt 2 tỉ USD, tăng 12,3%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,3 tỉ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 80,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 28,5%; vải tăng 13,3%.

Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 15,5 tỉ USD, tăng 3,1%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 9,3%; sắt thép tăng 5,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 4,3%.

Thị trường ASEAN đạt 10,8 tỉ USD, tăng 9,2%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 619,3%; sắt thép tăng 372,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 11,3%.

Nhật Bản đạt 5,7 tỉ USD, giảm 1,4%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện giảm 2,6%; sắt thép giảm 15,6%; điện thoại và linh kiện giảm 85%.

Cũng theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2019 có gần 348 triệu USD linh kiện và phụ tùng ô tô các loại được các doanh nghiệp nhập khẩu vào nước ta, trong khi đó con số này của tháng trước là 226 triệu USD. Như vậy, linh kiện & phụ tùng ô tô các loại được nhập về Việt Nam trong tháng này đã tăng tới 54% so với tháng trước.

Tính chung quý I, Việt Nam đã nhập khẩu tới 39 nghìn ô tô nguyên chiếc các loại, gần bằng một nửa lượng nhập khẩu của cả năm 2018.

Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng qua có xuất xứ rất đa dạng, chủ yếu từ Hàn Quốc với 110 triệu USD, tăng 92,8% so với tháng trước; từ Trung Quốc với 60 triệu USD, tăng 86,1%; từ Nhật Bản với 58,7 triệu USD, tăng 23,2%; từ Thái Lan với 52,1 triệu USD, tăng 28,8%; từ Đức với 17,6 triệu USD, tăng 45,8%; từ Ấn Độ với 15,6 triệu USD, tăng 44,4%.

Tính chung, linh kiện và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ 7 thị trường, nước xuất xứ này chiếm tỷ trọng 95% trong tổng trị giá nhập khẩu linh kiện & phụ tùng ô tô của cả nước trong tháng qua.

Với kết quả trong tháng 3/2019 đã nâng trị giá nhập khẩu nhóm hàng linh kiện & phụ tùng ô tô trong quý I/2019 lên tới 979 triệu USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Thu Hoài