Vì sao khu vực doanh nghiệp nhà nước có lương bình quân cao nhất?
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động quý 2/2016 do Bộ Lao đông – thương binh và xã hội vừa công bố, trong quý 2 năm 2016, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục là khu vực có thu nhập bình quân tháng cao nhất với 6,72 triệu đồng.
Mức lương bình quân khu vực này dù dẫn đầu song có chiều hướng giảm so với quý trước gần 1 triệu đồng.
Trong khi đó, hợp tác xã vẫn là khu vực có thu nhập thấp nhất với 3,55 triệu đồng và có mức giảm không đáng kể với quý I/2016.
Nhiều ý kiến cho rằng, khu vực nhà nước được coi là khu vực trì trệ, năng suất lao động thấp. Thậm chí nhiều doanh nghiệp được coi là những "ông lớn" trong khu vực nhà nước liên tục báo lỗ "khủng".
Tuy nhiên, những điều tra, thống kế trong bản tin trên cho thấy khu vực này luôn có mức lương cao nhất trong nhiều năm, thậm chí cao hơn cả khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (5,53 triệu đồng).
Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Doãn Mậu Diệp: Trong nền kinh tế Việt Nam, hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn lại tập trung nhiều vào doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn và mức lương thường cao hơn khu vực còn lại.
Cũng theo ông Diệp, nếu xem về phân bố nguồn nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, khu vực doanh nghiệp nhà nước bao giờ cũng có tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật cao hơn nên tiền lương khu vực này phản ánh tương ứng với trình độ của người lao động.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội cho biết thêm, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương trong quý II là 4,85 triệu đồng (quý 1 là 5,08 triệu).
Nguyên nhân do quý I gắn với Tết nguyên đán cho nên người lao động được hưởng thêm tiền thưởng Tết, do đó thu nhập quý II giảm là điều tất nhiên.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động làm công ăn lương cũng giảm so với quý I (từ 41,40% xuống còn 41,26%); ngành công nghiệp chế biến chế tạo có số lượng lao động giảm nhiều nhất (61.000 người, chiếm trên 10%).
Theo thống kê, tất cả các nhóm nghề đều có thu nhập thấp hơn quý 1/2016, nhưng cao hơn quý 2/2015. Nhóm quản lý và chuyên môn kỹ thuật bậc cao có thu nhập bình quân tháng cao nhất, song thu nhập của nhóm “lao động giản đơn” tăng nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách đối với các nhóm còn lại.
MẠNH NGUYỄN
Tin liên quan
- Áp lực lớn của ngành da giày Việt Nam
- Lương tăng chậm nhất trong một thập kỷ, doanh nghiệp vẫn lo kiệt quệ
- Lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu, khó cán đích vào năm 2018
Cùng dòng sự kiện
Từ khóa: lương, doanh nghiệp, lao động