Vì sao Fed tạm dừng tăng lãi suất nhưng USD vẫn tăng giá?
Ảnh minh họa
USD đã không suy yếu như dự đoán
2018 được ghi nhận là một trong nhưng năm tăng giá mạnh nhất của đồng USD khi chỉ số US Dollar Index, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với với rổ 6 đồng tiền chủ chốt đã tăng tổng cộng 4,4%.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ cho phép Cục dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất liên tục trong 4/8 cuộc họp chính sách tiền tệ của năm 2018, bất chấp những lời chỉ trích nặng nề của Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, đa số nền kinh tế phát triển khác phải vật lộn giải bài toán tăng trưởng yếu.
Diễn biến chỉ số US Dollar Index trong 5 năm qua (Nguồn: Bloomberg)
Tuy nhiên từ cuối 2018, giới đầu tư bắt đầu dự đoán đồng USD sẽ bước vào giai đoạn giảm giá trong bối cảnh Fed phát đi tín hiệu tạm dừng quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài ba năm. Đồng thời, các ngân hàng trung ương (NHTW) khác đều được dự đoán sẽ khởi động tiến trình tăng lãi suất sau nhiều năm giữ ở mức thấp kỉ lục.
Theo kết quả từ cuộc khảo sát 60 chuyên gia tiền tệ của Reuters trong cuối tháng 12/2018, đồng USD được dự báo sẽ giảm giá mạnh so với các loại tiền tệ chủ chốt trong năm 2019 và đồng euro có khả năng tăng hơn 6% lên mức 1,2 USD/EUR vào cuối năm nay.
Nhưng thực tế đã không như nhiều chuyên gia nhận định, sau khi giảm khoảng 2% vào tháng 12/2018 và tháng 1/2019, chỉ số US Dollar Index đã phục hồi nhanh chóng khi tăng 1% trong tháng 2 và xác lập mức đỉnh cao nhất trong 21 tháng tại 97,67 điểm vào ngày 7/3.
Diễn biến chỉ số US Dollar Index trong 6 tháng qua (Nguồn: Bloomberg)
Các ngân hàng trung ương lớn nối bước Fed tạm dừng tăng lãi suất
Mặc dù Fed đã xác nhận sự thay đổi trong chính sách tiền tệ theo hướng ôn hòa hơn trong cuộc họp chính sách tháng 1/2019 nhưng đồng USD vẫn tiếp tục nhận được những lợi thế so với các đồng tiền khác khi nhà hoạch định chính sách của những nước này đang phải từ bỏ, hoãn lại các kế hoạch thắt chặt tiền tệ.
Cụ thể, trong cuộc họp chính sách định kì tháng 3, NHTW Châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỉ lục đồng thời còn đẩy lùi thời hạn dự kiến nâng lãi suất sang năm 2020, thay vì nửa cuối 2019 như dự kiến ban đầu.
Bên cạnh đó, ECB giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone năm 2019 xuống còn 1,1%, so với mức dự báo tăng 1,7% đưa ra hồi tháng 12. Ngoài ra, ECB cũng quyết định tung thêm một chương trình cho vay dài hạn lãi suất thấp mới để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong khu vực. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2014, ECB triển khai một chương trình cho vay thuộc dạng này.
Tuyên bố của ECB được đưa ra giữa lúc đã có nhiều mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Trước đó, NHTW Canada cho biết đang có sự không chắc chắn về khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới.
Còn tại Nhật Bản, các nhà làm chính sách nước này cho biết họ có thể bơm thêm các gói kích thích nếu nền kinh tế không tăng trưởng như kì vọng. Trong khi Australia và Thụy Điển cũng đang suy nghĩ lại về lộ trình tăng lãi suất theo kế hoạch đặt ra trước đó.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu đang hỗ trợ đà tăng của đồng USD
Ngoài sự mềm mỏng của các NHTW lớn, giá trị của đồng bạc xanh hiện cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi đà tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ khi lợi suất kì hạn 10 năm liên tục lập đỉnh mới, kéo chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu giữa Mỹ và các nền kinh tế khác trên thế giới ngày càng được nới rộng.
Trong buổi phóng vấn với Reuters mới đây, Giám đốc đầu tư tiền tệ của JP Morgan Asset Management, Roger Hallam, nhận định: "Sự chênh lệch lãi suất hiện tại là yếu tố hỗ trợ đồng USD trong những tháng tới. Ngay cả khi lãi suất của Mỹ không tăng thêm thì đồng USD vẫn có ưu thế khi so sánh với mức suất âm tại khu vực đồng euro, Nhật Bản và Thụy Sĩ..."
Lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn 10 năm tại một số quốc gia (Nguồn: Bloomberg, VNB tổng hợp)
Hơn nữa, biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 1 của Fed cũng cho thấy NHTW này có thể không ôn hòa như những gì thị trường kì vọng. Quan điểm chia rẽ giữa các nhà hoạch định chính sách cho thấy Fed có thể chưa kết thúc chiến dịch tăng lãi suất mà chỉ đưa nó vào tình trạng tạm dừng kéo dài.
"Biên bản vẫn phản ánh quan điểm thận trọng mà Fed đã đưa ra sau cuộc họp vừa rồi. Tôi có cảm giác là lãi suất sẽ được giữ nguyên cho tới cuối năm nay… Nhưng Fed cũng không hề loại trừ khả năng tăng lãi suất trong năm nay nếu những áp lực suy giảm tăng trưởng nhẹ đi", Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Western Union Business Solutions, nhận định.