|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VDSC: Tiền đồng tiếp tục mất giá nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

21:00 | 28/10/2023
Chia sẻ
VDSC cho rằng áp lực mất giá tiền đồng sẽ được kiềm chế và tỷ giá có thể giảm trở lại vào cuối năm với kỳ vọng các yếu tố cơ bản về cung - cầu ngoại tệ trong nước sẽ hỗ trợ để chống chọi với các áp lực từ bên ngoài.

Trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ tháng 10, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay trong bối cảnh USD tiếp tục neo cao ở mức 106-107, tiền đồng tiếp tục mất giá mạnh so với USD trong tháng 10 nhưng vẫn chưa trở lại vùng đỉnh đã thiết lập vào tháng 10/2022.

Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng ngày 25/10 là 24.571 đồng/USD, cao hơn 1,09% so với cuối tháng 9. So với đầu năm, tiền đồng đã mất giá khoảng 3,5 - 4,3%, tuỳ vào tỷ giá tham chiếu, tỷ giá trên thị trường chính thức tăng mạnh hơn tỷ giá trên thị trường tự do.

Tỷ giá bán tại Vietcombank hiện đang ở mức 24.760 đồng/USD, cao hơn 4,3% so với đầu năm, tỷ giá bán USD trên thị trường chợ đen là 24.600 đồng/USD, cao hơn 3,5% so với đầu năm. 

VDSC cho rằng áp lực đối với tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn do thách thức đến từ việc lợi suất tại thị trường Mỹ tăng về mức kỷ lục cùng với việc chỉ số USD neo ở mức cao.

Tuy nhiên, nhóm phân tích vẫn giữ quan điểm cho rằng áp lực mất giá tiền đồng sẽ được kiềm chế và tỷ giá có thể giảm trở lại vào cuối năm với kỳ vọng các yếu tố cơ bản về cung - cầu ngoại tệ trong nước sẽ hỗ trợ để chống chọi với các áp lực từ bên ngoài.

 

Trong báo cáo mới đây, chuyên gia Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital dự báo rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải tăng cường các biện pháp bảo vệ giá trị tiền VND khi mức tỷ giá giảm đã đạt ngưỡng 3%.

Theo ông, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam dường như đang hướng tới việc duy trì tỷ giá VND/USD ở mức ổn định để thúc đẩy môi trường kinh tế vĩ mô bình ổn, có lợi cho ổn định tăng trưởng GDP  và giúp thu hút dòng vốn FDI . Thông thường, NHNN luôn cố gắng giữ tỷ giá VND/USD biến động không quá 2-3% mỗi năm.

"Khi đạt tới ngưỡng nhất định, NHNN thường sẽ đưa ra quyết định duy trì sự ổn định", ông Michael Kokalari nhận định.  

Cuối năm 2022, giá trị USD/DXY Index tăng gần 20% so với đầu năm, điều này buộc NHNN phải tăng lãi suất vào thời điểm đó. Động thái này rõ ràng nhằm mục đích ổn định tiền VND, trong bối cảnh lạm phát  lúc đó chỉ ở mức 3%. Hành động của NHNN đã giúp hạn chế tiền VND mất giá ở mức 3% vào năm ngoái.

Vào năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại dẫn đến NHNN phải mạnh tay cắt giảm lãi suất. Việc giảm lãi suất quyết liệt này là nhờ vào việc tỷ giá VND/USD ổn định trong 6 tháng đầu năm 2023, phần lớn nhờ thặng dư thương mại của Việt Nam tăng mạnh, đạt mức khoảng 7% GDP trong năm nay.

Tuy nhiên, việc NHNN cắt giảm lãi suất điều hành  vào thời điểm Fed liên tục tăng khiến cho lãi suất ngắn hạn ở Việt Nam hiện thấp hơn đáng kể so với USD. Độ chênh lệch khoảng 400 điểm cơ bản so với lãi suất USD, tức lãi suất ngắn hạn USD ở mức khoảng 5% so với lãi suất ngắn hạn VND ở mức 1%, khiến VND mất giá khoảng 3% trong năm nay.

Vì vậy, một lần nữa, NHNN lại phải tăng cường các biện pháp bảo vệ giá trị tiền VND khi mức giảm của tiền đồng đã đạt ngưỡng 3%.         

Anh Đào

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.