|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VDSC: ACB là một trong những ngân hàng ít bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản

11:02 | 10/11/2022
Chia sẻ
VDSC cho biết ACB là một trong những ngân hàng ít bị ảnh hưởng nhất bởi những điều chỉnh đang xảy ra trong lĩnh vực bất động sản và điều kiện kinh tế vĩ mô ngày càng khó khăn, do mức độ tiếp xúc với ngành bất động sản thấp.

Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết  ACB là một trong số ít ngân hàng ít bị ảnh hưởng nhất bởi những điều chỉnh đang xảy ra trong lĩnh vực bất động sản và điều kiện kinh tế vĩ mô ngày càng khó khăn, do mức độ tiếp xúc với ngành bất động sản thấp.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo ngân hàng, dư nợ cho vay mua nhà tại thời điểm cuối quý III là 84.000 tỷ đồng (tăng 22% so với đầu năm), chiếm 21,5% tổng dư nợ và 35% tổng dư nợ cho vay bán lẻ. Ngân hàng chủ yếu cho vay đối với những người mua nhà lần đầu và đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng dựa trên lương trả qua tài khoản ngân hàng.

Cho vay kinh doanh bất động sản (cho thuê nhà...) và cho vay đầu tư dự án bất động sản chỉ chiếm 5% và 1,5% dư nợ. Ngân hàng không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. 

Nhóm phân tích cho rằng chất lượng tài sản của ngân hàng và bộ đệm dự phòng đủ vững mạnh trước các tác động tiêu cực đến từ những thay đổi sắp tới về điều kiện vĩ mô và những xáo trộn trong lĩnh vực bất động sản.

Đồng thời kỳ vọng ngân hàng ít gặp áp lực trong chính sách dự phòng. Kết  quả quý IV/2022 sẽ tiếp tục tốt như trong quý III và sẽ tăng trưởng cao trên cơ sở nền so sánh thấp của quý IV/2021. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự báo đạt 18.113 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ.

Đối với năm 2023, VDSC nhận thấy nhiều hạn chế hơn đối với động lực tăng trưởng của ngân hàng bao gồm tăng trưởng tín dụng thấp, lãi suất tăng nhanh, áp lực huy động cao và chi phí tín dụng cao hơn (so với mức thấp của năm 2022).

Chất lượng tài sản giảm nhẹ do Thông tư 14 hết hiệu lực

Tỷ lệ nợ xấu cuối quý III của ACB  là 1,02%, so với 0,76% của quý II và 0,72% vào cuối năm 2021, tương ứng tăng 1.300 tỷ đồng so với đầu năm. Theo VDSC, nợ xấu của ngân hàng đã bắt đầu tăng từ cuối tháng 6 khi Thông tư 14 về cơ cấu lại các khoản nợ liên quan đến COVID-19 hết hiệu lực.

 

Theo ACB, hầu hết các khoản nợ tái cơ cấu hết hạn có thể thu hồi được và một số khoản nợ nhóm 5 có thể chuyển sang nhóm 1 trong tháng 11 và tháng 12 năm nay. Đến cuối năm, ngân hàng kỳ vọng nợ xấu có thể được kiểm soát dưới 1%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu tăng không ảnh hưởng đến chi phí tín dụng trong quý do ngân hàng đã trích lập đầy đủ cho các khoản nợ cơ cấu trong nửa cuối năm 2021. Nhờ sự phục hồi của khách hàng, khoản hoàn nhập dự phòng trong 9 tháng liên quan đến các khoản nợ tái cơ cấu đạt 1.600 tỷ đồng.

Nợ xấu hình thành tăng theo quý, tỷ lệ chi phí tín dụng/dư nợ và tỷ lệ xóa nợ/dư nợ giảm theo quý. Do đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm xuống 138% từ 185% trong quý II. VDSC cho rằng điều này là do ngân hàng kỳ vọng nhóm khách hàng tái cơ cấu sẽ tiếp tục phục hồi trong những quý tới. 

Phương Nga

WB: Việt Nam sẽ nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2025
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia, với mức tăng GDP 6,6% trong năm 2025 dù thấp hơn mục tiêu đặt ra (ít nhất 8%), song Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như toàn cầu.