Unilever ngỏ ý chi 200 triệu USD mua lại mảng kem đã bán
Mức giá đưa ra cách đây hơn 13 năm là 20 triệu USD cho hợp đồng tiếp nhận toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh kem Wall's (đến hết tháng 7/2003)và Kinh Đô được sử dụng tên thương hiệu đến hết năm 2004.
Theo thỏa thuận, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng này (tức đến năm 2008), nếu Kinh Đô không sản xuất kem thì cũng không được bán thiết bị, công nghệ cho đối thủ cạnh tranh của Wall’s. Sau 5 năm, nếu Wall’s trở lại Việt Nam thì Kinh Đô sẽ là đối tác ưu tiên số một trong vấn đề hợp tác sản xuất kinh doanh.
Kem Wall's của Unilever khi đó sở hữu hệ thống phân phối khổng lồ, với gần 115 nhà phân phối và gần 4.000 điểm bán lẻ trên cả nước (chiếm khoảng 50% thị phần kem tại Việt Nam). Doanh nghiệp cũng mất 6 năm xây dựng hệ thống và thương hiệu này. Nếu tính luôn cả vốn đầu tư xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp tây bắc Củ Chi và quảng bá thì tổng chi phí Unilever đã bỏ ra lên đến khoảng 20 triệu USD.
Kem hiện là mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn cho Kido.
Theo ông Nguyên, 13 năm trước Uniliver đã bán mảng kem cho Kido vì liên tục lỗ. Kido khi đó tham gia vào thương vụ này không đơn thuần là mua thương hiệu, nhân viên, tồn kho và một số nợ mà giá trị của thương vụ này chính là sự liên kết nhân viên, nhà phân phối, hệ thống an toàn thực phẩm. Từ đó doanh nghiệp có cơ sở đưa văn hóa kinh doanh của Việt Nam vào phát huy lợi thế kinh doanh.
“Khi mới tiếp quản, doanh số của kem Wall's chỉ 90 tỷ, đến ngày hôm nay đã lên tới 2.000 tỷ. Gần đây, Unilever có quay lại và ngỏ lời với Kido là nếu chúng tôi thoái vốn họ sẵn sàng trả 200 triệu USD để mua lại” - ông Nguyên cho biết.
Trong 7 tháng đầu năm, Kido đã lãi hơn 160 tỷ đồng từ kem – cao hơn cả con số lãi 110 tỷ đồng trong cả năm 2015. Ước năm 2016, lợi nhuận từ mảng này có thể lên 230-240 tỷ đồng.
Sau khi bán bánh kẹo, kem đã trở thành mảng kinh doanh chủ lực của Kido bên cạnh các sản phẩm mới như mì gói, bánh bao hay dầu ăn.
Theo Bình Nguyên
Zing