Ứng dụng công nghệ số giúp giảm thiểu trục lợi bảo hiểm
Báo Đầu tư Chứng khoán có cuộc trao đổi với ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV).
Ông đánh giá ra sao về những chuyển động của ứng dụng công nghệ số thời gian qua và sự tác động tới ngành bảo hiểm?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; làm thay đổi nhanh chóng và tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thời gian qua, Ðảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.
Nhiều công trình nghiên cứu, diễn đàn, hội thảo đã được tổ chức để phân tích và dự báo tác động của cuộc CMCN 4.0 tới các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế.
Nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia CMCN 4.0 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.
Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là nghị quyết toàn diện, tổng thể đầu tiên của Ðảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia cuộc CMCN 4.0.
Nghị quyết 52 thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam là “Chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng;
Đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”.
Ngay sau khi có Nghị quyết của Bộ chính trị, Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ liên quan đã chủ trì "Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019" vào ngày 2 - 3/10/2019 tại Hà Nội.
Ðây là sự kiện quốc tế được tổ chức với các mục đích chủ yếu: công bố các chủ trương, chính sách lớn của Ðảng, Nhà nước về tham gia cuộc CMCN 4.0; tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam;
Triển lãm, giới thiệu các thành tựu, giải pháp công nghệ của CMCN 4.0 cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam; kết nối kinh doanh và xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực của CMCN 4.0 giữa các nhà đầu tư quốc tế với cộng đồng doanh nghiệp và đại diện của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực tham gia vào cuộc CMCN 4.0, tăng cường ứng dụng công nghệ mới đã giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh rủi ro trong điều hành quản lý kinh doanh, đồng thời tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng.
Trong các khâu lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, ký kết hợp đồng, thanh toán phí bảo hiểm, khai báo giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, tương tác với khách hàng… cũng đã được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai, ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách nhanh nhất, tốt nhất.
Theo ông, đâu là các kết quả cần được nhắc tới?
Tôi cho rằng rất nhiều, không chỉ các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài có thế mạnh về công nghệ nhờ sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ, mà điểm tích cực cũng đến từ các công ty bảo hiểm trong nước.
Chẳng hạn, Bảo hiểm Bảo Việt với ứng dụng BaovietPay (hệ thống sinh thái bảo hiểm - đầu tư - tài chính - ngân hàng trên nền tảng kỹ thuật số); PTI với ứng dụng myPTI (hệ thống công nghệ được đầu tư bài bản áp dụng số hóa từ khâu bán hàng đến khâu bồi thường); VASS với ứng dụng LIAN (ứng dụng trên nền tảng di động giúp các cá nhân tìm hiểu, đăng ký các gói bảo hiểm của VASS)...
Khối nhân thọ như đề cập đã đưa vào nhiều ứng dụng tốt phục vụ khách hàng như AIA với việc ứng dụng MyAIA (áp dụng công nghệ AI nhận dạng thông tin tự động, thay đổi hợp đồng giấy sang bản điện tử, tối ưu quy trình vận hành); Chubb Life với trang thông tin hợp đồng bảo hiểm trực tuyến, khách hàng có thể kiểm tra thông tin về hợp đồng bảo hiểm một cách dễ dàng...
Nhiều người đang kỳ vọng đó sẽ là công cụ chủ đạo để hạn chế những bất cập về kết nối giữa các công ty bảo hiểm với nhau trong chia sẻ dữ liệu, giữa ngành bảo hiểm với ngành khác. Ông dự báo sự thay đổi sẽ như thế nào?
Tôi tin sự kết nối sẽ tốt hơn trước rất nhiều.
Về nguyên lý, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kết nối chia sẻ trong hoạt động nghiệp vụ cũng như kết nối liên thông dữ liệu với các bộ, ban ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Ðăng kiểm…, trên cơ sở đó tạo ra một hệ cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý ngành một cách nhanh chóng, thuận tiện và thống nhất, giúp ích cho sự phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Hệ thống cơ sở dữ liệu vô cùng cần thiết và hữu ích đối với đời sống kinh tế - xã hội nói chung và đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng.
Với một hệ thống kết nối đa chiều, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ nâng cao chất lượng quản lý nhân sự; giám định, bồi thường, đánh giá nhanh chóng, chính xác hơn, từ đó đẩy nhanh trình tự, thủ tục chi trả cho khách hàng…
Bên cạnh đó, nhờ có thông tin khách hàng đầy đủ, doanh nghiệp bảo hiểm có thể hiểu hơn về khách hàng, từ đó thiết kế các sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt nhất.
Về phía khách hàng, thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, khách hàng có thể lựa chọn cho mình các dịch vụ và nhà cung cấp tốt nhất, đồng thời nắm rõ thông tin, quyền và lợi ích liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, chủ động quản lý kế hoạch tài chính bản thân.
Nhờ ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang quản lý tốt hơn rủi ro trong hoạt động kinh doanh, đánh giá tốt hơn về hành vi khách hàng, từ đó góp phần giảm thiểu được hành vi trục lợi bảo hiểm.
Nếu nhìn lại quá trình phát triển thì giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá là giai đoạn then chốt đối với lĩnh vực bảo hiểm trong công cuộc gấp rút hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 193/QÐ-TTg ngày 15/2/2012 và Quyết định 242/QÐ-TTg ngày 28/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2015.
Ðồng thời, giai đoạn này cũng đánh dấu sự đầu tư mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực bảo hiểm nhằm xây dựng hệ thống thông tin quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; cung cấp dịch vụ công và thực hiện các thủ tục hành chính;
Đồng thời, xây dựng hệ thống quản trị tích hợp, quản trị trục lợi bảo hiểm toàn diện, hệ thống thống kê bảo hiểm hiệu quả, hiện đại hoá các kênh phân phối và bảo mật dữ liệu bảo hiểm trước các nguy cơ tấn công an ninh mạng.
Tôi tin tưởng rằng, trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành bảo hiểm sẽ tiếp tục nắm bắt những cơ hội, vượt qua thách thức để chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.