Ðủ kiểu lừa đảo chuyển tiền qua mạng xã hội
Lại bị lừa tiền qua mạng |
Nhờ chuyển tiền giùm
Thực tế, người dùng thường bị chiếm đoạt tài khoản Facebook, sau đó kẻ gian dùng tài khoản này để lừa đảo bạn bè hoặc người thân của chủ tài khoản.
Vừa qua, diễn đàn an ninh mạng WhiteHat.vn đăng tải trường hợp bị lừa đảo bằng cách giả mạo bạn bè của người dùng và nhờ chuyển tiền giùm. Cụ thể, kẻ lừa đảo đã dùng số điện thoại ở Bắc Mỹ gửi tin nhắn mạo danh một công ty chuyển tiền nước ngoài đến số điện thoại di động của nạn nhân. Khi truy cập vào đường dẫn hiển thị trong tin nhắn, nạn nhân đã bị lừa vì đó là trang web giả mạo của công ty chuyển tiền. Những thông tin như tên người dùng, mật khẩu truy cập tài khoản ngân hàng trực tuyến sẽ bị chiếm đoạt.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng từng nhận được đề nghị hỗ trợ từ một số khách hàng bị lừa đảo chuyển tiền cho đối tượng xấu. Còn ngân hàng Vietcombank cũng cảnh báo trường hợp người dùng bị lừa khi truy cập trang web chuyển tiền giả mạo có logo của ngân hàng (để nạn nhân tin tưởng) và nhờ nhận tiền giùm từ nước ngoài. Sau đó, trang web này sẽ yêu cầu cung cấp tên người dùng, mật khẩu và mã xác thực (OTP, mật khẩu dùng một lần) cho các yêu cầu rút tiền từ tài khoản.
Ngoài ra, trên Facebook cũng bắt đầu có hiện tượng quay trở lại của hình thức lừa đảo trúng thưởng xe tay ga cao cấp, ôtô bằng cách nhắn tin trúng thưởng qua tin nhắn trên Facebook. Khi người tiêu dùng liên hệ với nơi thông báo trúng thưởng thì được hướng dẫn truy cập vào một trang web làm thủ tục, nộp tiền trước… mới đủ điều kiện lãnh thưởng nhưng thực chất là lừa đảo.
Xác minh thông tin trước khi giao dịch
Theo một số chuyên gia an ninh mạng, kẻ gian có thể lợi dụng các hình thức liên lạc phổ biến như email, tin nhắn điện thoại hoặc Facebook… để chèn các đường dẫn chứa địa chỉ trang web giả mạo. Ðây chính là điều kiện cơ bản nhất để thực hiện hành vi lừa đảo, đồng thời kẻ gian sẽ liên tục nhắc nhở nạn nhân gửi mã OTP để hoàn tất giao dịch nhằm rút tiền.
Ông Võ Ðỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, khuyến cáo người dùng phải cẩn thận khi nhận được các đường dẫn từ các ứng dụng kể trên. “Không nên cung cấp thông tin cá nhân như tên, số điện thoại di động dùng đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Ðặc biệt, người dùng không chuyển tiền giùm trên mạng xã hội khi chưa biết rõ đó có phải là người thân của mình hay không”, ông Thắng nói.
Khi nhận yêu cầu nhờ chuyển hoặc nhận tiền giùm, người dùng có thể gọi điện thoại cho bạn bè hoặc người thân để xác minh. Trong trường hợp bạn bè hoặc người thân ở nước ngoài, có thể dùng cách thức liên lạc khác như gọi video qua Viber hoặc Facebook bởi kẻ gian khó có thể giả mạo gương mặt.
Theo ông Thắng, sau khi chiếm đoạt tài khoản Facebook, kẻ gian sẽ tìm hiểu lịch sử giao dịch, tin nhắn trao đổi giữa bạn bè hoặc người thân với chủ tài khoản. Từ đó, kẻ gian sẽ quyết định chọn lựa tài khoản để dàn dựng kịch bản lừa đảo, nhờ chuyển tiền hoặc nhận tiền.
Bên cạnh đó, tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội thường chiếm đoạt và sử dụng tài khoản bạn bè hoặc người thân của người bị lừa. Vì thế, mỗi khi giao dịch liên quan tới tiền bạc, chuyển tiền qua ngân hàng,… người dùng cần tìm cách liên lạc trực tiếp để đảm bảo an toàn.
Còn theo một số ngân hàng, người dùng cần lưu ý các giao dịch nội mạng của ngân hàng, giao dịch nạp tiền mặt vào tài khoản, nạp tiền điện thoại sẽ có hiệu lực ngay lập tức; các giao dịch liên ngân hàng thường sẽ được thực hiện trong vòng 24 giờ. Do đó, người dùng cần cẩn thận trong việc để lộ thông tin tài khoản ngân hàng như tên người dùng, mật khẩu.
Khi nhận tin nhắn chứa đường dẫn mạo danh công ty chuyển tiền, khách hàng không truy cập mà cần kiểm tra trước. Người dùng phải xác định trang web có thực sự là của công ty chuyển tiền hoặc của ngân hàng không. Người dùng chỉ đăng nhập vào trang web chính thức của công ty chuyển tiền, ngân hàng.
Theo khuyến cáo của ngân hàng VP Bank, người dùng tuyệt đối không gửi các thông tin cá nhân như tên tài khoản, mật khẩu, số thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng… qua email, Skype, Facebook, tin nhắn hay các dịch vụ chat.
Bên cạnh đó, người dùng nên áp dụng nhiều hình thức bảo vệ tài khoản Facebook của mình như kích hoạt bảo mật hai lớp, tạo cảnh báo khi có thiết bị lạ đăng nhập, đăng xuất tài khoản từ xa, thiếp lập mật khẩu đủ mạnh, cảnh báo bạn bè và người thân ngay khi tài khoản bị chiếm đoạt. Người dùng cũng cần đăng ký tài khoản Facebook bằng email mà mình thường xuyên sử dụng để không bỏ lỡ những email cảnh báo khi kẻ gian thực hiện thay đổi các cài đặt trong tài khoản.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/