|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

TTC AgriS thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh bền vững - tăng trưởng kinh tế xanh tuần hoàn

08:40 | 17/04/2023
Chia sẻ
Chia sẻ tại Hội nghị Phát triển bền vững 2023 với chủ đề “Con đường màu xanh” do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 13/4/2023, bà Đặng Huỳnh Ức My - Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS - Mã: SBT) đã mang đến những góc nhìn khách quan về tính cấp bách trong thúc đẩy giá trị kinh tế xanh tuần hoàn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao bền vững.

(Ảnh: TTC AgriS).

Phát triển bền vững không chỉ là xu hướng mà là “bài toán” chung cấp bách

Mọi ngành nghề kinh doanh và hoạt động xung quanh con người đều sinh ra một lượng CO2 nhất định gây hiệu ứng nhà kính. Ví như sản xuất 1 tấn thép tạo ra 1,8 tấn CO2, một chuyến bay kéo dài 1 tiếng thì mỗi hành khách có thể gián tiếp tạo ra 90kg CO2, sản xuất 1 chiếc Iphone gây phát thải 8kg CO2, chiếc áo mặc gián tiếp tạo ra 6,75kg CO2,... Vì thế, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia đều phải “giảm thải” hoặc “cân bằng” - hấp thụ ngược lượng khí thải ra môi trường hay còn gọi là Net Zero.

Trao đổi tại Hội nghị, các chuyên gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khẳng định nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế xanh trung hòa carbon là bài toán cấp thiết mà các doanh nghiệp cần giải quyết, để nâng cao năng lực kinh doanh bền vững, cũng như đóng góp cho sức khỏe và môi trường chung của cộng đồng.

Đại diện TTC AgriS, Phó Chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My khẳng định trong suốt hơn 5 thập kỷ hoạt động doanh nghiệp luôn kiên định với chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Không nằm ngoài xu hướng đầu tư bền vững của thế giới, TTC AgriS tiên phong dẫn đầu xu hướng tuần hoàn chuỗi giá trị nông nghiệp trong tất cả các hoạt động quản lý từ nông trường đến sản xuất, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

“Chúng tôi lấy chiến lược kinh doanh ‘xanh’ làm nền tảng phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh và cung cấp cho thị trường các giải pháp sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc và bền vững”, bà Ức My chia sẻ.

“Đã muốn làm nông nghiệp mà không trang bị đầy đủ công cụ, điều kiện thì chỉ đơn thuần là trồng và hái, chỉ rút ngắn vòng đời của chuỗi giá trị nông nghiệp. Chúng ta không thể thu lại những giá trị dài hạn khi khâu đầu tư vẫn còn nghèo nàn và thực hiện kinh doanh vẫn theo hướng truyền thống với canh tác quá độ, kém hiệu suất trong khi sản sinh khí nhà kính lớn mà không hướng tới lợi ích lâu dài”.

Bà Đặng Huỳnh Ức My - Phó Chủ tịch TTC AgriS khẳng định lợi thế cạnh tranh bền vững với chiến lược kinh doanh ‘xanh’ làm cốt lõi của doanh nghiệp tại Hội nghị Phát triển bền vững ngày 13/4/2023. (Ảnh: TTC AgriS).

Trong quá trình dẫn dắt TTC AgriS khẳng định vị thế là doanh nghiệp nòng cốt trong chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh, bà My luôn đặt triết lý kinh doanh cốt lõi là phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế tuần hoàn tích hợp xuyên suốt với các vấn đề Môi trường, Xã hội, Quản trị (ESG). “Tối ưu chuỗi giá trị là con đường bền vững cho nền nông nghiệp” - bà Ức My chia sẻ.

Triết lý kinh doanh về Giải pháp - Bền vững - Thông minh luôn được TTC AgriS đẩy mạnh trong hành trình tiên phong cho nền nông nghiệp Việt Nam đón đầu xu thế tuần hoàn với công nghệ làm nền tảng, khẳng định vị thế “Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao” thông qua các hoạt động R&D vượt trội bổ trợ cho các sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng cao - thương mại tiêu dùng tích hợp.

Năng lực tăng trưởng xanh - Kiến tạo nền nông nghiệp bền vững tuần hoàn

Theo bà Ức My: “Hoạt động sản xuất nông nghiệp bên cạnh việc giảm thiểu phát thải còn cần trung hòa lượng phát thải ra môi trường với mức tối đa tiến đến Net Zero”. Do đó, trong quá trình sản xuất, TTC AgriS đã tối ưu chuỗi giá trị cây nông nghiệp như mía, dừa, chuối,... ngay từ các công đoạn đầu tiên góp phần giúp TTC AgriS cân bằng hoạt động phát thải và hấp thu các loại khí nhà kính như CO2.

Riêng trong nhánh mía đường, hiện nay, lượng phát thải của TTC AgriS đang ở mức 0,45 kg CO2e/kg đường, thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn 0,96 kg CO2e/kg (theo FAO). Ngoài ra, Công ty cũng áp dụng hàng loạt giải pháp khác như: ưu tiên sử dụng nhiên liệu sinh khối Biomass, nhiêu liệu sinh học Biofuels trong quá trình sản xuất, áp dụng công nghệ Cacbonat hóa nhằm tận dụng lượng khí CO2 sinh ra trong lò hơi tái sử dụng vào tinh chế sản xuất.

Với quan niệm đặt chuỗi giá trị tuần hoàn trong mối tương quan bền vững giữa con người - môi trường - kinh tế, Bà Ức My khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp là “giải quyết vấn đề môi trường ngay từ những khâu đầu tiên để đặt tiêu chuẩn về lối sống xanh cho người tiêu dùng, chứ không phải là vòng lặp sản xuất và tái chế đơn thuần”.

TTC AgriS luôn triển khai quy trình sản xuất “xanh” từ nông trại đến bàn ăn, chủ động nghiên cứu và áp dụng giải pháp nông nghiệp thân thiện như ong mắt đỏ Abi phòng trừ sâu bệnh từ thiên địch, không gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản,...

Ngoài ra, Công ty còn không ngừng đa dạng hóa chuỗi giá trị sản phẩm từ cây nông nghiệp như mía, dừa, chuối, lúa,... tái sử dụng nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm mới, giá trị thu được gấp ba lần so với chính phẩm và đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường xung quanh, đóng góp vào sự gia tăng kinh tế của địa phương và cộng đồng.

Thực tế chuỗi giá trị bền vững mà TTC AgriS đang xây dựng còn có sự tham gia từ tất cả các bên liên quan, từ Khách hàng, Nông dân, Cộng đồng địa phương đến các tổ chức quốc tế,...

“Mỗi hoạt động trồng trọt, sản xuất đều phải được tối ưu, thực thi từ trang trại đến nhà máy, quản lý từng khâu từ sử dụng nước tưới, chăm sóc cây trồng cho đến quy trình giải quyết chất thải, bao bì sản phẩm. Doanh nghiệp phải cùng nhà nông tham gia vào quá trình này” - bà Ức My cho hay. Một trong những giải pháp của TTC AgriS là ứng dụng IoT để triển khai dự án quan trắc về biến đối khí hậu, giúp quan sát tốc độ sinh trưởng của cây trồng, đồng thời ứng dụng công nghệ canh tác số thông qua nền tảng quản trị FRM (Farmer Relationship Management) hỗ trợ cho nông dân.

TTC AgriS áp dụng công nghệ số và đẩy mạnh hoạt động R&D trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn chế tác động môi trường, thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại bền vững. (Ảnh: TTC AgriS).

Khi thế giới đối mặt với vô vàn biến động chưa từng có, thì “Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững” nổi lên như một xu hướng toàn cầu. Với vai trò là công ty nông nghiệp đa quốc gia, TTC AgriS xác định “chiến lược kinh doanh xanh” là kim chỉ nam ngay từ những ngày đầu hoạt động, duy trì đẩy mạnh trong suốt hành trình phát triển và nhận được những đánh giá cao, công nhận từ các bên liên quan.

Năng lực tăng trưởng xanh được thể hiện trong hoạt động quản trị bao gồm các chủ đề về bền vững chuyên biệt, các chỉ số tài chính “xanh”. Công ty được liên tiếp được vinh danh là doanh nghiệp mía đường duy nhất có mặt trong rổ chỉ số VNSI20 - Top 20 cổ phiếu có điểm Phát triển bền vững cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022.

Nông trường TTC AgriS tại tỉnh Attapeu (Lào) được canh tác theo hướng hữu cơ. (Ảnh: TTC AgriS).

Tại Hội nghị Phát triển bền vững, thông qua các sáng kiến giải pháp về giảm thiểu phát thải carbon, bà Ức My còn đồng thời chia sẻ các mục tiêu cụ thể của TTC AgriS trong giai đoạn 2025 - 2030 như đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất nước mía với công suất 72 triệu lít/năm với công nghệ zero discharge, sử dụng 100% biomass làm chất đốt tại tất cả nhà máy và phát triển thành công bao bì giấy từ bã mía bằng công nghệ sinh học vào năm 2025, tiến tới mục tiêu đạt Net Zero carbon vào năm 2035.

Hơn tất cả, “Mục tiêu của chúng tôi không phải là triệt tiêu phát thải mà cân bằng quá trình này, trả nhiều hơn và môi trường được bảo vệ” - bà Ức My khẳng định, thể hiện tâm huyết của TTC AgriS trong việc thúc đẩy vị thế nền nông nghiệp quốc gia hiện đại bền vững trung hòa carbon, không chỉ hỗ trợ kinh tế địa phương và còn đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.

Bích Thu