|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Trung Quý Bắc Ninh làm KCN hơn 200 ha tại Hải Dương, dự kiến đền bù cao nhất 1,5 tỷ đồng/hộ dân

07:43 | 04/11/2023
Chia sẻ
KCN Phúc Điền mở rộng do Trung Quý - Bắc Ninh làm chủ đầu tư có tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng, sẽ thực hiện thu hồi đất của 450 hộ dân với mức giá đền bù dự kiến dao động từ 100 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng được 44 ha.

Vị trí KCN Phúc Điền mở rộng.

CTCP Đầu tư Trung Quý - Bắc Ninh vừa công bố một báo cáo liên quan đến dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng tại các xã Vĩnh Hồng, Vĩnh Hưng, Hồng Thắng, thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

KCN Phúc Điền mở rộng được phê duyệt quy hoạch 1/2.000 từ năm 2012 với quy mô hơn 219 ha. Sau một thời gian dài chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, dự án đã được chuyển giao cho Trung Quý - Bắc Ninh theo chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2021.

Đến tháng 5/2021, Trung Quý - Bắc Ninh đã đề xuất đầu tư ĐT.394B đoạn qua phạm vi KCN để chủ động triển khai xây dựng, đồng thời đề nghị điều chỉnh mở rộng ranh giới KCN Phúc Điền về phía nam đến ĐT.395 để đầu tư hoàn chỉnh tuyến ĐT.394B (đoạn từ QL5 đến đường ĐT.395).

Ngày 6/6/2022, Hải Dương đã duyệt điều chỉnh quy hoạch KCN Phúc Điền mở rộng 1/2.000 với tổng diện tích hơn 246,5 ha, trong đó phần quy hoạch KCN chiếm 235,6 ha, còn lại 10,9 ha dành cho hành lang đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hành lang đường ống dẫn dầu và nghĩa địa.

Ngày 10/8 vừa qua, UBND huyện Bình Giang đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 KCN Phúc Điền mở rộng. Về cơ bản, ranh giới KCN Phúc Điền mở rộng vẫn được giữ nguyên theo quy hoạch năm 2012, diện tích mở rộng theo quy hoạch điều chỉnh năm 2022 tăng lên 21,07 ha (tương đương 9,82%) chủ yếu phát triển về phía nam.

KCN Phúc Điền mở rộng là dự án độc lập, tách riêng với KCN Phúc Điền hiện hữu, được đầu tư mới 100% nên quy trình, thủ tục sẽ như là đầu tư một KCN mới từ đầu. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã được Hải Dương giao đất, chuẩn bị thực hiện.

Phạm vi ranh giới dự án.

Vị trí dự án nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ áo cáo).

Hiện trạng có 218 ha đất nông nghiệp

Về phạm vi, phía bắc dự án giáp ruộng canh tác xã Vĩnh Hưng, Hùng Thắng. Từ vị trí này đến đường đê sông Sặt khoảng 300 m, đến mép nước của sông Sặt còn khoảng 800 m (đê sông Sặt cách mép sông khoảng 500 m).

Phía nam dự án giáp hành lang bảo vệ ĐT.395; phía đông giáp ruộng canh tác, khu dân cư thôn Tuấn Bắc và thôn Tuấn Nam, xã Hùng Thắng; phía tây giáp ruộng canh tác, khu dân cư thôn Lý Đông, xã Vĩnh Hồng và ruộng canh tác, khu dân cư thôn Hồ Liễn, xã Vĩnh Hưng.

Về hiện trạng giao thông, điểm ranh giới phía bắc dự án cách quốc lộ 5A khoảng 1,2 km. Hiện nay, dự án xây dựng ĐT.394B kết nối Quốc lộ 5A với ĐT.395 (dài 3,8 km) đang được xây dựng, tuyến này sẽ chạy giữa KCN Phúc Điền mở rộng, đồng thời là tuyến giao thông cấp khu vực trong tương lai.

Giáp ranh giới phía nam dự án là ĐT.395 rộng 11,5 m. Cách dự án 3 km về phía nam có ĐT.392 hiện hữu rộng 40 - 55 m. Xa hơn về phía nam có đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Xung quanh khu vực này còn có đường Vĩnh Hưng - Hùng Thắng - Long Xuyên (rộng 32 m) và các tuyến đường 17,5 m, 20,5 m thuộc thôn Tuấn Bắc, Tuấn Nam.

Một góc khu đất dự án hiện nay. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về hiện trạng sử dụng đất, đến thời điểm hiện tại, Trung Quý - Bắc Ninh đã được Hải Dương cho thue hơn 44 ha đất. Chiếm chủ yếu diện tích đất hiện nay là đất trồng lúa 2 vụ và hoa màu (218,4 ha) với năng suất thấp; có khoảng 3,7 ha là các ao, hồ nhỏ, kênh mương thuỷ lợi; 2,9 ha đất giao thông và hơn 1 ha đất nghĩa trang.

Nhìn chung, khu vực dự án không có dân cư sinh sống nên không cần phải di dời dân cư. Trong phạm vi dự án có 2 khu mộ tập trung thuộc xã Hùng Thắng và Vĩnh Hồng, sẽ giữ lại không cần di dời.

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ dành ra gần 161 ha để xây nhà máy, kho vận; bố trí khoảng 36 ha cho đất giao thông (gồm cả ĐT.394B và nút giao với ĐT.395); đất cây xanh chiếm 23,6 ha; đất mặt nước 24,7 ha; đất dịch vụ công nghiệp khoảng 11,3 ha...

Dự kiến khởi công giai đoạn 1 vào đầu năm 2024

KCN Phúc Điền mở rộng được chia làm hai giai đoạn. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về tiến độ, KCN Phúc Điền mở rộng sau khi thực hiện đền bù, GPMB xong sẽ được chia thành 2 giai đoạn để thực hiện đầu tư xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật KCN.

Trong đó, giai đoạn 1 tiến hành đầu tư 4 km tuyến ĐT.394B (trục trung tâm KCN) trong phạm vi dự án. San nền, xây dựng hệ thống HTKT cho các lô đất phía bắc và phía tây của trục đường chính. Đầu tư xây dựng tuyến mương mặt 20 m tuyến đông - tây để thay thế kênh mương nội đồng. Đầu tư xây dựng hệ thống HTKT cho diện tích đất công cộng. Đầu tư xây dựng hệ thống hào kỹ thuật bảo vệ đường ống dẫn xăng, dầu. Đầu tư trồng cây xanh giai đoạn 1... Tổng diện tích giai đoạn 1 là 100 ha.

Đối với giai đoạn 2, tiến hành đầu tư san nền và hệ thống HTKT trên diện tích đất công nghiệp phía đông của trục ĐT.394B. Đầu tư trồng cây xanh giai đoạn 2... Tổng diện tích giai đoạn 2 khoảng 135,6 ha.

Tiến độ thực hiện của 2 giai đoạn liền sát nhau (trong vòng 24 tháng liên tục) nên có thể coi như trên công trường đang thi công liên tục, không có thời gian nghỉ gián đoạn.

Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian không quá 36 tháng kể từ ngày giao đất sạch. Từ nay đến hết tháng 12/2023, dự án sẽ hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, các báo cáo; giai đoạn tháng 1/2024 - tháng 12/2024 sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng 161,6 ha còn lại.

Giai đoạn 1 của dự án dự kiến sẽ khởi công vào tháng 1/2024 và bắt đầu thu hút đầu tư từ tháng 1/2025. Đối với giai đoạn 2, dự kiến khởi công vào tháng 1/2025 và bắt đầu thu hút đầu tư từ tháng 1/2026.

Hiện trạng khu đất dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

450 hộ dân thuộc diện thu hồi đất sẽ đền bù ra sao?

Tổng mức đầu tư của KCN Phúc Điền mở rộng là 1.979 tỷ đồng, trong đó Trung Quý - Bắc Ninh đã góp 297 tỷ đồng (tương đương 15%), còn lại vốn huy động là 1.682 tỷ đồng.

Trong cơ cấu vốn, chi phí đền bù GPMB chiếm hơn 471 tỷ đồng, chi phí xây dựng chiếm 1.161 tỷ đồng,... Nhìn chung, suất đầu tư của dự án là 8,4 tỷ đồng/ha đất. Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ bố trí khoảng 226 tỷ đồng đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án.

Theo kết quả điều tra sơ bộ, trong phạm vi 3 xã Vĩnh Hồng, Vĩnh Hưng, Hùng Thắng (huyện Bình Giang) sẽ có tới 450 hộ gia đình bị thu hồi đất.

Kết quả phỏng vấn khoảng 50/450 hộ dân bị thu hồi đất trực tiếp cho thấy, bình quân diện tích đất trồng trọt của mỗi hộ khoảng là 1,3 ha/hộ, hộ bị thu hồi nhiều nhất là 4 ha, hộ bị thu hồi ít nhất là 3.000 m2. Có khoảng 290 hộ bị thu hồi đất hoàn toàn, phần còn lại bị thu hồi một phần.

Với đơn giá được Hải Dương quy định vào năm 2021 thì bình quân mỗi hộ có đất trồng trọt thu hồi sẽ được bồi thường khoảng 300 - 500 triệu đồng. Mức tiền bồi thường của các hộ dân sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào diện tích đất bị thu hồi của hộ dân đó cũng như là vị trí của các thửa đất bị thu hồi.

Tính toán sơ bộ thì tiền bồi thường của các hộ dao động trong khoảng 100 - 800 triệu. Hộ được bồi thường ít nhất là 100 triệu đồng, còn hộ được bồi thường nhiều nhất là 1,5 tỷ đồng. Những hộ nào có diện tích đất canh tác bị thu hồi nhiều thì số tiền đền bù về đất và các khoản hỗ trợ sẽ được nhiều hơn các hộ có diện tích thu hồi ít.

Doanh nghiệp kêu khó trong việc giao đất các dự án lớn 

Về chủ đầu tư, Trung Quý - Bắc Ninh được thành lập vào tháng 8/2007. Trụ sở chính hiện đặt tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Tại thời điểm lập báo cáo, doanh nghiệp có vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Trung Quý - Bắc Ninh được biết đến là chủ đầu tư của KCN Thuận Thành 3 - phân khu B với diện tích 300 ha, thuộc địa phận các xã Thanh Khương, Đại Đồng Thành, Song Hồ, Gia Đông, Đình Tổ và Hoài Thượng, huyện Thuận Thành. Tổng mức đầu tư là 3.175 tỷ đồng.

Bên cạnh KCN Thuận Thành III, Trung Quý - Bắc Ninh cũng đang đầu tư Khu dân cư Hà Sơn hơn 12 ha tại tổ 17 và 18, phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang.

Bà Đinh Thị Loan (giữa) - Chủ tịch Trung Quý - Bắc Ninh trong một sự kiện mới đây. (Ảnh tư liệu: Di Anh).

Trong một sự kiện diễn ra hồi tháng 10 mới đây, bà Đinh Thị Loan, Chủ tịch Trung Quý - Bắc Ninh đã chia sẻ một số vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án dưới góc nhìn là nhà phát triển KCN.

Theo bà Loan, doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn về ưu đãi đầu tư, cụ thể là thuế lại tính theo quyết định giao đất chứ không tính theo việc giao đất thực địa. Chưa có giấy phép thực địa, doanh nghiệp không triển khai được dự án.

Tuy nhiên, thuế thì lại tính từ thời gian có quyết định cấp phép. Đối với dự án có quy mô lớn, công ty phải tiến hành giao đất nhiều lần. Đơn cử như có dự án giao đất 12 lần nhưng chỉ được ưu đãi lần đầu, chưa kể do dự án lớn nên doanh nghiệp phải tiến hành giải phóng mặt bằng mất 2 - 3 năm dẫn tới việc được ưu đãi ít.

Hoàng Huy