|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc sẽ cứu Iran trước chiến dịch trừng phạt của Mỹ?

16:11 | 01/07/2018
Chia sẻ
Trước mục tiêu của Mỹ muốn bóp nghẹt nền kinh tế của Iran, các nhà lãnh đạo Iran đang lên kế hoạch để bảo vệ hoạt động xuất khẩu dầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trong chiến dịch gây sức ép với các nước để chuẩn bị cho các biện pháp tái áp đặt trừng phạt nhằm vào Iran.

trung quoc se cuu iran truoc chien dich trung phat cua my
Iran đang lên kế hoạch bảo vệ hoạt động xuất khẩu dầu. Ảnh minh họa: Reuters.

Trước mục tiêu của Mỹ muốn bóp nghẹt nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này, các nhà lãnh đạo Iran đang lên kế hoạch để bảo vệ hoạt động xuất khẩu dầu trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/6 cho biết đã nhận được các đảm bảo từ Saudi Arabia rằng quốc gia này sẽ tăng sản lượng dầu, có thể lên đến 2 triệu thùng, bù vào nguồn cung có thể thiếu hụt do Mỹ trừng phạt Venezuela hay Iran. Dự kiến một đoàn đại biểu Mỹ trong tuần tới sẽ thăm Trung Đông, hối thúc các nhà sản xuất dầu đảm bảo nguồn cung khi Iran bị loại khỏi thị trường với việc Mỹ tái áp đặt biện pháp trừng phạt vào ngày mùng 4/11 tới.

Với mục tiêu chặn mọi nguồn tài chính đổ vào túi Iran từ ngành xuất khẩu dầu, có thể bóp nghẹt nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo vốn vẫn đang gặp nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Giá trị đồng Rial của Iran đã mất hơn 40% giá trị thời gian qua cùng với giá cả tăng cao và tỉ lệ thất nghiệp ở mức kỉ lục. Iran đã ngay lập tức phản ứng mạnh mẽ trước kế hoạch tăng sản lượng dầu thô của Saudi Arabia, cho rằng ý định này là “coi nhẹ” Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do chịu sức ép từ Mỹ.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 30/6, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng cho biết, sức ép kinh tế của Mỹ là nhằm mục tiêu buộc người dân Iran phải hành động chống lại chính phủ của mình: “Chương trình nghị sự của Mỹ đó là sau khi trao cho chúng ta hi vọng sẽ tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ người dân Iran. Họ muốn gia tăng sức ép kinh tế để chia tách đất nước Iran. Tuy nhiên, Tổng thống trước ông Donald Trump đã cố gắng thực hiện điều này và đều phải từ bỏ. Nếu Mỹ có thể hành động chống lại Iran, nước này sẽ không cần phải thành lập một liên minh trong khu vực để đề nghị họ giúp đỡ chống lại Iran”.

Chính phủ Iran cũng đang nỗ lực bảo vệ nền kinh tế trước chiến dịch gia tăng sức ép của Mỹ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 30/6 đã có cuộc gặp với Người đứng đầu Quốc hội và Tư pháp để thảo luận biện pháp đáp trả. Chính phủ và Quốc hội cũng thiết lập một Ủy ban nghiên cứu những khách hàng mua dầu tiềm năng và các biện pháp bù vào thu nhập sau khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực.

Bất chấp những nỗ lực của chính phủ Iran bảo vệ nền kinh tế, nhưng giới phân tích cho rằng, “phao cứu sinh” nằm trong tay của các đối tác mua dầu của Iran. Chính quyền Mỹ cảnh báo các đồng minh gần gũi như Hàn Quốc sẽ bị trừng phạt nếu họ không cắt giảm nhập khẩu dầu của Iran vào đầu tháng 11 tới.

Một số đối tác Châu Âu -điểm đến thứ 2 cho dầu thô của Iran hiện cũng thể hiện sự ủng hộ yêu cầu của Mỹ, với việc để ngỏ khả năng cho các thị trường cung cấp dầu thay thế như Nga, Saudi Arabia và Iraq. Một số đối tác Châu Á- khu vực nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran hiện vẫn đang cân nhắc quyết định. Hàn Quốc chiếm 14% lĩnh vực xuất khẩu dầu của Iran năm 2017. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran ở mức 24%, sau đó là Ấn Độ 18%.

Theo giới phân tích trước sức ép của Mỹ, các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc hay Ấn Độ khó có thể“ phớt lờ” yêu cầu của Mỹ, nhưng có thể lựa chọn phương án giảm sản lượng nhập khẩu dầu của Iran. Và trong trường hợp đó thì Iran sẽ cố gắng tìm đến Trung Quốc là biện pháp cứu cánh cuối cùng.

Một chuyên gia phân tích dầu khu vực Sri Paravaikkarasu cho rằng, Trung Quốc có thể mua nhiều dầu hơn từ Iran, mặc dù nước này có thể mất thời gian để xem xét lại các thỏa thuận do giới hạn về tài chính và vận chuyển của Mỹ. Trung Quốc cũng là quốc gia duy trì phần lớn các hoạt động nhập khẩu dầu của Iran trong giai đoạn quốc gia Hồi giáo này bị áp đặt trừng phạt từ năm 2012 đến năm 2016. Các hoạt động này có thể tạo ra nguồn lợi nhuận tối thiểu để Iran có thể trả cho các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm và dược phẩm.

Mặc dù vậy giới quan sát cũng cho rằng, vẫn có những rủi ro khi Iran “bỏ hết trứng vào một rổ”, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tham gia các cuộc đàm phán căng thẳng về thương mại. Và khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại, thì khó có thể nói những hợp tác dầu giữa Trung Quốc với Iran sẽ không bị ảnh hưởng.

Xem thêm

Phạm Hà