Triển vọng xám xịt tại Singapore khi kinh tế thụt lùi
Người đàn ông cầm ô trong cảnh cơn bão sắp đến trước nhà máy lọc dầu của Shell tại Pulau Bukom, Singapore. Ảnh: Reuters |
Không gửi bánh trung thu cho nhân viên như mọi năm, ông Kong tiết kiệm được 14.000 đôla Sing (tương đương 10.000 USD). 60 nhân viên của ông tại công ty cung cấp vật liệu xây dựng M Metal Pte cũng không được tăng lương khi đến kỳ hạn.
Từng được biết đến là Mahanttan châu Á, Singapore nay đang trải qua tình trạng tăng trưởng chậm lại, gây ảnh hưởng xấu đến những công ty còn đang nặng nợ nần.
"Khi nói chuyện với các công ty trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, tình hình có vẻ thảm hại", ông Kong nói. Riêng trong năm nay, doanh thu công ty ông giảm 10 đến 15%. Lần giảm đầu tiên trong vòng 5 năm.
"Ai cũng như muốn hỏi 'điều gì đang xảy ra với tôi trong ba tháng qua vậy?'. Các công ty không có đơn hàng mới. Trong khi có những chi phí cố định. Do đó điều đầu tiên họ làm là cắt chi phí marketing, sau đó sẽ là giảm nhân sự".
Là trung tâm thương mại, dịch vụ năng lượng, quản lý tài sản của cả vùng, nền kinh tế trị giá 300 tỷ USD của Singapore được xem là phong vũ biểu đo sức khỏe của các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu tại châu Á.
Kinh tế Trung Quốc đi chậm lại đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất và vận tải của Singapore. Những diễn biến trên thị trường năng lượng gây áp lực lên ngành xăng dầu. Còn tình trạng nợ xấu gia tăng cùng nhiều quy định mới khiến ngành dịch vụ tài chính bị ảnh hưởng.
Kết quả là dự báo doanh thu của các công ty niêm yết tại đây sụt giảm với tốc độ nhanh nhất thế giới.
Dữ liệu của Thomson Reuters cho thấy dự báo lợi nhuận ròng cho ba tháng vừa rồi giảm tới 4%, so với mức trung bình giảm 0,2% trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Các công ty cũng chật vật với gánh nặng nợ đang ngày càng lớn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Kể từ tháng 6/2008 đến nay, lợi nhuận ròng giảm 40%, trong khi nợ tăng hơn gấp đôi.
Cần chương trình kích thích?
Các nhà phân tích đã cắt giảm dự báo doanh thu của một loạt công ty hàng hóa như Wilmar International, Noble hay các công ty vận tải biển hạng nặng như Sembcorp Marine, Ezion Holdings.
Khả năng thu lãi và chất lượng tài sản của các ngân hàng hàng đầu như DBS Group Holdings hay Oversea Chinese Banking Corp cũng chịu áp lực, do nhiều khoản vay của họ nằm trong các ngành đang gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, hậu quả từ scandal rửa tiền liên quan đến một số ngân hàng ngoại khiến ngành tài chính nước này lao đao. Tình trạng khó khăn cũng dần lan đến cả những công ty lớn.
Kurt Wee, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Vừa và nhỏ, đại diện cho khoảng 12.000 công ty, cho biết các thành viên Hiệp hội cho rằng giai đoạn phục hồi sẽ không giống như hậu khủng hoảng tài chính.
"Đây không phải là phục hồi hình như V như những năm 2008, 2009. Đây là tình trạng suy giảm kéo dài", ông nhận định.
Đồng quan điểm, giới chuyên gia cho rằng kinh tế Singapore đang tệ hơn dự báo của nhà chức trách, và do đó cần thêm các chương trình kích thích tiền tệ hoặc tài chính.
Ông Lim Hng Kiang, Bộ trưởng thương mại và công nghiệp Singapore cũng nói trước Quốc hội nước này rằng chính phủ cần chuẩn bị tung ra loạt chính sách cả vĩ mô lẫn vi mô để đối phó với tình hình hiện nay.
Hồi đầu tháng này, cả thị trường đã sốc với thông tin GDP nước này thụt lùi 4,1% trong quý ba.
Người tiêu dùng thất vọng
Singapore vốn là một trong những nước có nền chính trị ổn định nhất thế giới, với nguồn dự trữ dồi dào và đứng đầu bảng về chỉ số thuận lợi kinh doanh của World Bank. Mặc dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy Singapore có thể phải đối mặt với năm suy giảm kinh tế đầu tiên trong vòng 7 năm.
Thống kê của MasterCard cho thấy Singapore là một trong những nơi lòng tin người tiêu dùng sụt giảm mạnh nhất trong số 17 qốc gia và vùng lãnh thổ châu Á trong nửa đầu năm 2016, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009.
Những yếu tố chính gây ra tình trạng này là niềm tin của người dân về chất lượng cuộc sống, thu nhập và việc làm thường xuyên.
Jessica, 39 tuổi, một phụ nữ giấu họ nói với Reuters rằng cô vừa mất việc giám sát kiểm toán. "Tôi chắc chắn phải cắt giảm chi tiêu", cô nói khi rời một hội chợ việc làm.
"Tôi giải thích với các con của mình rằng chúng tôi không thể mua sắm thường xuyên như trước vì nền kinh tế chung đang xấu đi, và thật may là chúng hiểu".
Vân Vũ