TPBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cổ phiếu
Ngày 18/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 4376/NHNN-TTGSNH chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 11.716 tỷ đồng.
Số vốn tăng thêm sẽ được huy động thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã được đại hội đồng cổ đông ngân hàng phê duyệt cuối tháng 4 vừa qua.
Cụ thể, TPBank dự kiến phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Với số vốn tăng thêm, TPBank dự kiến đầu tư vào cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ và mở rộng mạng lưới; đồng thời bổ sung nguồn vốn hoạt động, vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn,...
Ngân hàng cho biết việc tăng vốn điều lệ lần này sẽ giúp củng cố thêm hệ số an toàn vốn CAR, nâng cao năng lực doanh nghiệp và tăng khả năng đề kháng của ngân hàng trước những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt khi TPBank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II.
Nguồn vốn bổ sung cũng sẽ giúp ngân hàng có nền tảng vững hơn để đạt mục tiêu 5.800 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay, tăng 32% so với năm 2020.
Cùng với đó, TPBank dự kiến tăng trưởng tài sản 21% trong năm 2021 đạt 250.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay và trái phiếu tăng trưởng 25% đạt 165,434 tỷ đồng.
Tổng huy động dự kiến đạt 221.893 tỷ đồng, tăng 20%. Trong đó, tiền gửi khách hàng và phát hành giầy tờ có giá ước đạt 172.010 tỷ đồng, tiền gửi và vay của tổ chức tín dụng khác ước đạt 49.883 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng ở mức 20% và 22%.
Trong quý I/2021, TPBank ghi nhận lãi trước thuế 1.422 tỷ đồng, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của ngân hàng đạt 2,16%, trong khi đó tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 26,24%.
Một trong những nguyên nhân của tăng trưởng mạnh lợi nhuận là nhờ nỗ lực tối ưu hoá chi phí của ngân hàng, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của TPBank đã giảm từ 39,69% cuối năm 2020 xuống còn 35,2%.
Trong báo cáo phân tích mới đây về TPBank, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã nâng dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 của TPBank lên 5.842 tỷ đồng và dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 6.901 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia của BVSC, việc điều chỉnh tăng dự báo được thúc đẩy bởi kỳ vọng NIM của TPBank sẽ tăng lên 4,65% nhờ tiếp tục chuyển dịch các khoản cho vay sang mảng cho mua nhà có đảm bảo với mức lợi suất cao, đồng thời hệ số CIR được kiểm soát trong khoảng 37 - 38%.